Bí mật đằng sau thành công ngoài sức tưởng tượng của đế chế mới nổi Netflix

Tham gia
6/1/15
Bài viết
1,046
Được thích
1,383
2391 #1

Sự phổ biến cụm từ như “Netflix and chill” hay “Binge-watch” đều là các minh chứng cho sự nổi tiếng của Netflix trong vài năm trở lại đây. Ngoài vai trò là người dẫn đầu trong các “streaming service”, Netflix còn nổi lên như một đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các nhà đài lớn như ABC, CBS hay HBO trong việc sản xuất các original series. Bạn có tự hỏi tại sao Netflix có thể thành công đến vậy? Câu trả lời sẽ có trong bài viết này.


Có lẽ việc các website như Google, Facebook,… thu thập thông tin về thói quen sử dụng của người dùng để đưa ra các gợi ý về nội dung tương ứng với sở thích và mối quan tâm của họ là một việc không còn xa lạ đối với chúng ta.

Ví dụ như việc Facebook và Instagram feeds không sắp xếp theo thứ tự thời gian mà những gì được cho là bạn quan tâm nhiều hơn sẽ được đẩy lên trước, hay bạn sẽ thấy những quảng cáo hiện lên không hề ngẫu nhiên mà đều có liên quan đến gì bạn search trên Google hay Facebook; thử search một từ khóa nhiều lần mà xem, chắc chắn kết quả hiện ra không phải lần nào cũng như lần nào. Tất cả những điều này là ví dụ cho việc từng hoạt động của bạn trên các trang mạng đều được thu thập và phân tích.

Điều này thì mình cũng đã biết, nhưng cách mà Netflix làm điều này thực sự ở một level rất đáng kinh ngạc, thậm chí đến mức… đáng ngại, đáng lo và cả... đáng sợ!

Netflix, cũng như nhiều trang web khác, thu thập thông tin về các bộ phim mà bạn xem, chuyển chúng thành dạng dữ liệu, sau đó đưa các dữ liệu này vào một công thức toán học nhằm đưa ra các gợi ý về các bộ phim khác mà có thể bạn sẽ thích.

Năm 2006, Netflix tổ chức cuộc thi mang tên Netflix Prize, đưa ra giải thưởng là 1 triệu đôla giành cho cá nhân hoặc nhóm đầu tiên có thể tạo ra được một thuật toán mà có thể cải thiện độ chính xác hơn 10% so với CineMatch – tên của thuật toán mà Netflix đang sử dụng vào lúc đó.

Hàng ngàn lập trình viên và nhà toán học lao vào nghiên cứu, làm việc với khoảng 100.000 ratings, 18.000 bộ phim, và khoảng 400.000 tài khoản người xem, nhằm tạo ra được công thức tối ưu nhất.


Năm 2009, nhóm nghiên cứu BellKorr đã giành được 1 triệu đô la tiền thưởng này với một hệ thống bao gồm 800 thuật toán khác nhau đủ để viết thành một cuốn sách… 150 trang. Đây chính là thuật toán mà Netflix đang sử dụng. Vậy thuật toán này cụ thể thu thập những gì và sử dụng dữ liệu ra sao?

Không chỉ việc bạn xem những phim gì và đánh giá chúng với bao nhiêu sao, các dữ liệu được thu thập cụ thể hơn rất nhiều. Bạn dừng phim ở đâu, tua đi, tua lại hay bỏ qua chỗ nào, phim nào bạn xem một lèo hết luôn còn phim nào chỉ xem ít một, bạn xem phim ở đâu, vào thời điểm nào trong ngày và ngày nào trong tuần, sau khi xem trung bình bao lâu bạn mới đánh giá phim….


Tóm lại, từng đường đi nước bước, từng cái click chuột của bạn đều được ghi lại và hình thành một đường nếp có thể cho Netflix biết rất nhiều về thói quen xem phim của bạn. Nhờ việc này mà Netflix có thể đưa ra những gợi ý chính xác đến nỗi: 65% (phần lớn) những gì bạn xem nằm trong danh sách gợi ý của Netflix.

Các bộ phim được chia thành hàng trăm các hạng mục lớn nhỏ, phân tích từ thể loại đến diễn viên, nhân vật, nội dung, thời gian phát hành, đạo diễn… Bạn xem càng nhiều, dữ liệu được thu thập càng nhiều và việc gợi ý càng chính xác. Netflix có thể đưa ra các gợi ý cụ thể đễn nỗi đến bạn cũng không nhận ra, ví dụ như: bạn sẽ thích “các bộ phim của Woody Allen có nhân vật nữ chính mạnh mẽ phát hành trước năm 2000”, hay các TV Show chuyển thể từ sách có nội dung viễn tưởng và có diễn viên là A, B hay C”.

Thật đáng kinh ngạc, phải không? Nhưng chưa dừng lại ở đó.

Ngoài việc đưa ra gợi ý về các nội dung có sẵn, Netflix còn sử dụng các dữ liệu này để dự đoán về triển vọng của các original show. Chính vì vậy khi mà các nhà đài truyền thống vật lộn vì chỉ biết dựa vào ratings để biết khán giả có thích phim của mình hay không thì Netflix có một núi dữ liệu để đoán được một bộ phim có đáng để sản xuất hay không.

Nếu bạn nào còn nhớ Kevin Spacey trong một bài phát biểu đã từng đưa kịch bản của House of Cards đi khắp các nhà đài lớn nhưng đều bị yêu cầu phải làm một pilot trước rồi mới quyết định, nhưng khi đưa đến Netflix thì họ gật đầu cái rụp, và nói rằng chúng tôi có các dữ liệu cho thấy người dùng của chúng tôi sẽ thích bộ phim này.


Đúng vậy, sự thành công của House of Cards đã được đảm bảo từ trước khi nó được làm ra. Nói cách khác, Netflix sản xuất House of Cards vì biết chắc là chúng ta sẽ thích nó.

Đây có lẽ cũng chính là cách mà Netflix tạo nên thành công vượt trội với các series như Orange is the New Black, Sense8, Jessica Jones hay gần đây nhất là Stranger Things. Gần như series nào Netflix làm ra cũng được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả, trong khi các nhà đài khác làm 5, 7 show may ra mới có được 1 hit.

Một điều nổi bật nữa mà Netflix nhận ra từ thói quen xem phim của người dùng là chúng ta thường thích “binge-watch” – xem một lèo hết cả season, thay vì bị gián đoạn. Chính vì vậy mà Netflix mới đưa ra chiến thuật là phát hành cả season một lúc và loại bỏ các yếu tố thường thấy trong TV Series truyền thống như “Tóm tắt tập trước” ở đầu tập hay “Cliffhanger” ở cuối tập, để tạo ra một trải nghiệm liền mạch như xem một movie… dài 13 tiếng.

Rất nhiều người xem đã cảm thấy có phần bị phản bội khi biết điều này, vì họ không thoải mái với ý nghĩ rằng mình gần như bị “thâu tóm”, “điều khiển”, hay “lợi dụng” bởi Netflix, vì chính những dữ liệu về họ đã được sử dụng để tạo ra các sản phẩm để phục vụ cho chính họ.

Năm 2010, Netflix có ý định tổ chức Netflix Prize 2 nhưng sau đó đã hủy bỏ vì lý do các thuật toán được tạo ra chính xác đến nỗi họ có thể dính vào các rắc rối về quyền riêng tư.

Về việc Netflix có vi phạm tới quyền riêng tư và tự do cá nhân của chúng ta hay không thì còn là một câu hỏi lớn, nhưng chỉ biết họ đang sử dụng các dữ liệu này một cách vô cùng xuất sắc, được thể hiện bởi các thành công mà họ đang đạt được. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Netflix đang dẫn đầu một xu thế mà sẽ dần dần thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp truyền hình, cả về hình thức lẫn nội dung.

Điều quan trọng hơn là Netflix cũng đang ngược lại gây ảnh hưởng lớn tới chính lựa chọn của chúng ta về việc chúng ta xem gì. Bạn có thực sự chỉ xem một bộ phim vì bạn thích và biết nó hay, hay đã nhiều lần bạn click vào xem chúng đơn giản vì chúng hiện ra ngay đầu trang cá nhân của bạn?

Ý kiến của các bạn thì sao?

 
Last edited by a moderator:

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Không có thành viên trực tuyến lúc này

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom