Startup ở Việt Nam dưới góc nhìn của CNet (Part 2)

Hải Đại Bàng

Thất nghiệp
Staff member
Tham gia
10/2/14
Bài viết
6,324
Được thích
11,511
2024 #1

Tiếp theo Phần 1 là những ví dụ điển hình cho khởi nghiệp tại Việt Nam mà Sarah Tibken, biên tập viên CNet tìm hiểu và nghiên cứu trong chuyến đi đến Việt Nam vừa qua. Mời các bạn tham khảo phần 2 của chuỗi bài viết gồm hai phần của trang CNet.
Tôi (Sarah Tibken, BTV trang CNet) bị lạc, nhưng ít nhất thì không chỉ mỗi tôi bị thế. Tài xế taxi của tôi có vẻ lạc đường.

Tôi đang đi tìm văn phòng của NCT Corp, một trong những dịch vụ stream nhạc lớn nhất ở Việt Nam. Văn phòng công ty nằm ở quận 10 của thành phố Hồ Chí Minh với một ít khách du lịch nước ngoài, và những dãy nhà được đánh số hơi khó hiểu - ít nhất là đối với tôi. Lái xe đi vòng quanh khu này khoảng 20 phút trước khi chúng tôi quyết định từ bỏ và gọi điện nhờ trợ giúp.

Cuối cùng, hóa ra tất cả những gì tôi cần làm là nhìn quanh. NCT tọa lạc ở tầng 7 và tầng trên cùng của tòa nhà HAGL Building.

NCT, một dịch vụ stream nhạc giống Spotify, là một trong những công ty công nghệ hiếm hoi thành công ở Việt Nam. Dịch vụ có 10 triệu người dùng tích cực mỗi tháng và được định giá hơn 20 triệu USD (để so sánh, Spotify có 75 triệu người dùng tích cực hàng tháng và được định giá 8,5 tỷ USD). Trong khi chính phủ Việt Nam đang tranh luận về mức độ ảnh hưởng của mình đối với các startup mà họ hỗ trợ, NCT là một ví dụ về một startup có thể tự thành công trên đôi chân của mình.

NCT cũng là một công ty biểu tượng, làm gương cho các startup Việt Nam noi theo. Đất nước này đang muốn chuyển đổi từ một nguồn outsourcing trở thành một trung tâm nơi nó tạo ra các sản phẩm thay đổi cách sống của mọi người, đồng thời để thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, các công ty hoạt động ở Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó bao gồm cả những thách thức đến từ chính quốc gia của họ. Quan liêu và tham nhũng là những vấn nạn phổ biến, và công ty ở Việt Nam rất khó hút tiền của các nhà đầu tư. Dù chính phủ Việt Nam đang cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ các startup, nhưng cho tới nay những sự hỗ trợ đó chưa biết có mang lại "quả ngọt" hay không. Trong bối cảnh đó, nhiều startup đã chọn tự đi trên đôi chân của mình.

Việc NCT, công ty game online VNG, và trò chơi Flappy Bird phát triển được ở Việt Nam mặc cho những thách thức, là minh chứng cho thấy rằng startup vẫn có thể tự mình phát triển mà không phải phụ thuộc vào chính phủ. Niềm hy vọng ở đây là trong thời gian tới, số lượng các công ty như vậy sẽ còn tăng lên.

"Thị trường công nghệ Việt Nam có những tiềm năng tuyệt vời, không chỉ một Flappy Bird, mà là rất nhiều Flappy Bird" - Nhan The Luan, CEO của Nhaccuitui, cho biết.

Làm nhạc, kiếm tiền


Nhan The Luan - CEO Nhaccuatui.
Khi Luan xây dựng công ty của mình vào năm 2009, sản phẩm của anh được đánh giá là khá giống với Napster - dịch vụ cho phép người dùng upload và chia sẻ bất kỳ thứ gì cho bạn bè của mình. Tuy nhiên, sau đó công ty chuyển hướng để mua bản quyền nhạc từ các hãng thu âm lớn như Universal Music Group và Sony Music nhằm cung cấp một dịch vụ stream nhạc có tên Nhac Cua Tui. Hiện dịch vụ này thu phí 2 USD/tháng với những người dùng muốn stream nhạc trên thiết bị di động - tức thấp hơn cả mức 3 USD/tháng của Apple Music.

Mỗi gian phòng làm việc trong văn phòng của NCT đều có một thiết kế riêng. Có phòng dùng cửa ra vào và cửa chớp màu xanh, hàng rào chắn màu trắng và một bức tranh treo tường đầy cây cối trong bối cảnh một thị trấn bên bờ biển Địa Trung Hải - cho cảm giác rằng bạn đang ở giữa thiên nhiên ngoài trời chứ không phải trong một văn phòng.

Phòng thư giãn được trang bị những chiếc trường kỷ thoải mái và tường khảm đá, tất cả được thiết kế để khuyến khích bạn ngồi xuống và thư giãn. Phòng phụ trách bản quyền (NCT hiện có bản quyền độc quyền của khoảng 40% nhạc ở Việt Nam và cấp cả bản quyền cho các công ty khác) trông giống một văn phòng kinh doanh thông thường với các tủ gỗ lớn. Dọc theo một bức tường trong phòng treo một bức tranh đen trắng vẽ hình nhà đồng sáng lập Apple Steve Jobs.

Phòng làm việc của Luan nằm ở một góc, có cửa sổ lớn, có view đẹp nhìn xuống thành phố phía dưới. "Chúng tôi muốn giành chiến thắng ở thị trường nhạc tại Việt Nam, trong dài hạn" - Luan cho biết.

Tuy nhiên, làm kinh doanh ở Việt Nam có thể rất khắc nghiệt. Ở một vài khía cạnh nào đó, chính sách của chính phủ Việt Nam đem lại lợi ích cho các công ty nước ngoài hơn là cho các công ty Việt. Theo luật tại Việt Nam, nếu một website muốn cho phép người dùng để lại bình luận, công ty đó phải có giấy phép sử dụng mạng xã hội, trong khi việc cấp phép thường rất khó khăn và tốn nhiều thời gian. Trong khi đó, các công ty nước ngoài không bị yêu cầu giấy phép này. NCT phải đăng ký giấy phép mạng xã hội, trong khi Facebook thì không. NCT cũng phải xin thêm một giấy phép khác: Giấy phép chia sẻ thông tin.

Trong những ngày đầu của mình, NCT có hai nhân viên làm việc toàn thời gian chuyên việc đàm phán với chính phủ. Sau này khi đã phát triển, uy tín công ty được tăng lên, họ nắm rõ hơn về các quy định và biết tìm đến các quan chức nào để xin giấy phép. Mặc dù vẫn phải duy trì đội ngũ luật sư, NCT không còn phải dùng đến nhân viên toàn thời gian chuyên vào việc theo dõi hệ thống quản lý của chính phủ.

"Chúng tôi luôn lưu ý tới các chuyến viếng thăm của chính phủ. Bạn phải trình cho họ tất cả các báo cáo hoạt động, mọi thứ. Đó là một bản danh sách dài" - Luan cho biết và đưa ra trước mặt tôi một bức thư mới nhất được gửi từ chính phủ Việt Nam.

"Trước đây tôi mất ngủ vì chuyện này. Còn hiện tại, nó giống như là một phần của công việc thường ngày".

Xây dựng cộng đồng


Văn phòng Hà Nội của Topica, một startup cung cấp tiếng Anh và các khóa học đại học trực tuyến, gợi cho tôi nghĩ tới khái niệm "sự hỗn độn có tổ chức". Khoảng 400 người cả nam lẫn nữ ở độ tuổi từ 20 đến 30 bị nhồi nhét trong văn phòng, ngồi trên những chiếc ghế gập cùng các tấm bảng trắng nhỏ hẹp.

Những tấm bia (trong trò chơi phóng phi tiêu) với bức ảnh của CEO Pham Minh Tuan và các lãnh đạo khác nằm rải rác xung quanh các văn phòng, và các bức tường trắng được trang trí các poster in những câu phát biểu từ những nhân vật nổi tiếng như Steve Jobs ("Hãy cứ khao khát, hãy cứ dại khờ"), và Thomas Edison ("Tôi không thất bại, chỉ là tôi đã thử 10.000 cách nhưng chưa thành").

Trong không gian dành riêng cho Topica Hub, công ty thậm chí còn bố trí một tấm bìa các tông được cắt lỗ in hình CEO Mark Zuckerberg và câu phát biểu nổi tiếng: "Di chuyển nhanh, phá vỡ mọi thứ". Topica Hub là một khu không gian mở trong văn phòng của Topica, nơi các doanh nhân có thể tổ chức các sự kiện của riêng mình vào buổi tối.

Topica được hình thành từ dự án của một trường đại học ở Việt Nam do Bill Gates tài trợ năm 2006. Năm 2008, nó tách ra khỏi trường và nhận được đầu tư của IDG Ventures Vietnam lẫn CyberAgent Venture của Nhật Bản. Topica có hơn 21.000 sinh viên tham gia các khóa học trực tuyến được cung cấp thông qua hợp tác với 7 trường học.

"Chúng tôi là công ty giáo dục trực tuyến hàng đầu tại Đông Nam Á, và chúng tôi có kế hoạch duy trì vị trí dẫn đầu này trong 5 năm tới" - Tuan, người có bằng MBA của Trường kinh doanh NYU Stern, cho biết.

Dù bản thân là một startup, Topica đang cố gắng lấp đầy khoảng trống trong thế giới công nghệ ở Việt Nam - sự thiếu hụt một hệ sinh thái. Cùng với Topica Hub, công ty cũng điều hành Topica Founder Institute (tạm dịch: Học viện nhà sáng lập Topica), một đại lý độc quyền của Founder Institute (Mỹ) với chức năng hỗ trợ, giúp đỡ startup ở giai đoạn phát triển. 25 học viên tốt nghiệp từ Topica Founder Institute trong 3 năm qua cho tới nay đã thu hút được 10 triệu USD đầu tư.

Thành công đáng kể nhất có thể kể đến Appota, một công ty chuyên về giúp đỡ các nhà phát triển di động phân phối game và ứng dụng. Công ty này năm ngoái cũng nhận được thêm tiền từ các nhà đầu tư Nhật Bản và Singapore.

Dự án tiếp theo của Topica, có tên gọi EdTech Lab, sẽ bao gồm các thiết bị thực tế ảo, máy bay không người lái (drone), robot, và các công nghệ mới khác mà các doanh nhân ở Việt Nam khó có thể tiếp cận. Các lập trình viên được tuyển chọn sẽ được sử dụng phòng thí nghiệm của Topica trong 3 - 4 tháng để đề xuất các ý tưởng sử dụng thiết bị cho mục đích giáo dục - như dùng drone để theo dõi các thí sinh làm bài thi.

Một chân ở Việt Nam, chân còn lại ở Mỹ


Misfit, công ty sản xuất thiết bị đeo, có thể chưa có bất kỳ thiết bị thực tế ảo hay drone đáng chú ý nào, nhưng lại đang sở hữu một tài sản quan trọng: một giám đốc điều hành hiểu biết cả hai nền văn hóa Việt và Mỹ. Sonny Vu sang Mỹ từ Việt Nam từ năm 6 tuổi nhưng vẫn duy trì chặt chẽ các mối quan hệ của mình ở Việt Nam. Do đó khi anh sáng lập nên Misfit, anh cùng lúc mở văn phòng ở cả Mỹ và Việt.

Vào cuối năm nay, khoảng một nửa trong số 265 nhân viên của Misfit, sẽ hoạt động tại Việt Nam, làm việc về hậu cần, thuật toán và các công việc khác dành cho thiết bị đeo, bao gồm cả một ứng dụng có tên Link. Công ty không sản xuất thiết bị tại đây, và cũng không có ý định bán sản phẩm nào tại Việt Nam cả. Tuy nhiên, việc có nhiều nhân viên ở Việt Nam giúp Misfit có nhiều lợi thế. Họ có thể thuê những người giỏi ở Việt Nam - thường là những người học tập và làm việc ở nước ngoài rồi quay về Việt Nam làm việc. Hơn nữa, việc hoạt động ở Việt Nam giúp công ty tiết kiệm được rất nhiều chi phí nếu so với ở Mỹ.

"Những gì chúng tôi đang làm là tối ưu nguồn nhân lực. Ở Việt Nam, chúng tôi không phải cạnh tranh nhiều, bởi vì đơn giản công ty chúng tôi là nơi thú vị nhất để làm việc" - Vu cho biết.​

Rockit Online, một công ty dạy tiếng Anh và các khóa học khác trên Internet, nhận được 500.000 USD đầu tư hồi năm ngoái từ hai hãng đầu tư mạo hiểm của Thung lũng Silicon là Formation 8 và Learn Capital. Những người sáng lập của công ty có cả người Việt lẫn người Mỹ, và CEO công ty, Dao Thu Hien, đã từng có nhiều năm ở Mỹ, bao gồm cả thời gian làm việc tại văn phòng Thị trưởng New York Michael Bloomberg. Cô cũng thành lập một công ty khác có tên Golden Path, với chức năng giúp sinh viên Việt Nam chuẩn bị cho việc đi học tập ở nước ngoài (New York, Mỹ) trước khi quay lại Việt Nam năm 2012.

"Các nhà đầu tư ở Việt Nam không hứng thú với việc đầu tư vào startup. Điều đó có nghĩa là rất nhiều doanh nhân sẽ cần phải thâm nhập vào thị trường quốc tế. Mở công ty ở Việt Nam, trong khi quốc gia này không phải là một nền kinh tế lớn, thì sẽ rất khó để nhận được sự quan tâm từ các nhà đầu tư ở Mỹ hay châu Âu" - Dao Thu Hien cho biết.

Nhiều startup thành công ở Việt Nam đều có nhà sáng lập có mối liên hệ hoặc có thời gian làm việc ở nước ngoài. Trong số 27 startup thành công nhất ở Việt Nam thì gần một nửa có nhà sáng lập từng làm việc hoặc học tập ở nước ngoài, theo một thống kê của Topica.

Tuy nhiên, chỉ có những người đã sống toàn bộ cuộc đời của mình ở Việt Nam, mới có lý tưởng mở các startup ở đây, mà NCT là một ví dụ. Các startup Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn nếu muốn "bơi ra biển lớn" - trong trường hợp họ có tham vọng đó. Đó là lý do nhiều startup mới chỉ tập trung phát triển ở Việt Nam và Đông Nam Á, còn kế hoạch thâm nhập Mỹ hay Trung Quốc vẫn là cái gì đó quá xa vời.

"Mỹ là một thị trường khó tính, và cũng rất khó cho một công ty nước ngoài nếu muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc" - CEO Nhaccuatui Nhan The Luan cho biết. NCT cũng đã từng thử mở rộng thị trường ra Trung Quốc nhưng cho tới nay chưa có kế hoạch mở văn phòng tại đây. Và riêng ở lĩnh vực stream nhạc, sẽ rất khó cho công ty để thâm nhập vào thị trường Mỹ. "Trong tương lai ngắn hạn, chúng tôi vẫn sẽ chỉ tập trung vào thị trường nội địa" - Luan nói.


Dao Thu Hien - CEO của Rockit Online, một công ty dạy tiếng Anh và các khóa học khác trên Internet.


Pham Minh Tuan, CEO của Topica.


Văn phòng Topica ở Hà Nội.


Văn phòng NCT.


Phòng thư giãn trong văn phòng của NCT.





Dịch: ICTNews, Nguồn: CNet
 
Last edited by a moderator:
Top Bottom