Đánh giá HP Pavilion Gaming 15 Ryzen 5 4600H: đáng giá cho một chiếc laptop gaming 20 triệu

Sanghi

Mới mất xe máy
Tham gia
18/2/19
Bài viết
440
Được thích
263
4453 #1


Với sự trỗi dậy của AMD và dòng sản phẩm Ryzen 4 Series dành cho laptop giúp cho người dùng có thêm nhiều lựa chọn cho những chiếc laptop gaming phổ thông. Với 20 triệu đồng, sở hữu một chiếc máy tính sở hữu CPU 6 nhân 12 luồng là điều gần như bất khả thi ở vài năm trước. Trong bài viết này, TECHRUM sẽ đánh giá HP Pavilion 15 Gaming sử dụng CPU Ryzen 5 4600H- một trong những sự lựa chọn có hiệu năng trên giá thành tốt nhất trong phân khúc 20 triệu.

Video


CẤU HÌNH CHI TIẾT

HP Pavilion Gaming 15-ec1054AX 1N1H6PA
Bộ vi xử lý: AMD Ryzen™ 5 4600H (7nm, 8MB L3 Cache + 3MB L2 Cache, 3.0GHz up to 4.0 GHz)
RAM: 8GB DDR4 3200 Mhz (trống 01 khe nâng cấp max 32GB)
Card đồ họa: NVIDIA® GeForce® GTX 1650 4G-GDDR6
SSD: 128GB SSD PCIe NVMe M.2 + 1 TB 7200 rpm SATA HDD
Màn hình: 15.6” FHD IPS Anti-glare 144Hz
Trọng lượng: 1.98 kg
Pin: 3 Cell 52.5WHrs (3h sử dụng)
HĐH: Windows 10 Home Single Language 64
Phụ kiện: 02 Dây nguồn, sạc, sách hướng dẫn sử dụng.


Thiết kế



Thay vì cố thêm quá nhiều chi tiết hầm hố mà mình cho là có phần rườm rà thì xu hướng thiết kế của laptop gaming hiện đại dần đi theo hướng tối giản và ít chi tiết hơn. Chỉ một vài điểm nhấn nhỏ trong tổng thể để nhấn mạnh chất “gaming” là quá đủ mà không bị dư thừa.



Với HP Pavilion Gaming 15 là phần vát ở khung máy thay vì hình chữ nhật thông thường cũng như là logo HP có hiệu ứng màu xanh hay phần bàn phím sở hữu led nền đồng màu ấn tượng.



Có thể nhiều bạn trẻ vẫn sẽ có ấn tượng với một chiếc laptop gaming với nhiều đèn RGB hay các đường cắt xẻ, mình cũng từng như vậy, nhưng hứng thú chỉ duy trì sau một thời gian ngắn sử dụng. Một thiết kế tối giản sẽ vẫn đẹp dù là bao lâu.



Chất liệu chính trên sản phẩm là nhựa với hầu hết tất cả các mặt. Phần chất liệu này được HP xử lý chỉn chu để mang lại cảm giác cứng cáp và thân thiện với da tay. Bản lề 1 thanh dài khá ổn, giúp mở máy được bằng một tay, nhưng vì có vẻ phần màn hình khá nặng nên vẫn sẽ có một chút rung lắc. Và đương nhiên vì sử dụng chất liệu nhựa nên sản phẩm sẽ vẫn có hiện tượng flex ở khung màn hình và bàn phím nhưng không nhiều.

Màn hình

Màn hình 15.6 inch tiêu chuẩn của sản phẩm này có viền tương đối tối giản, nhưng không phải thuộc dạng mỏng sexy, phần trên và dưới vẫn chiếm khá nhiều diện tích.



Nói về chất lượng hiển thị của màn hình HP Pavilion Gaming 15 thì sản phẩm này có góc nhìn tốt với tấm nền IPS, độ phân giải FHD sắc nét. Tuy nhiên là một sản phẩm thiên về gaming nên độ sáng tối đa của màn hình sản phẩm này không quá cao, qua đo đạc là khoảng 250 trong thực tế, bù lại được phủ mate chống chói. Dải màu đáp ứng không quá tối ưu với 70% sRGB và 50% NTSC, Delta E khoảng 2, không sai lệch nhiều nhưng đây không phải là lựa chọn tuyệt vời nhất dành cho làm việc với hình ảnh chuyên nghiệp.



Đương nhiên, không mạnh ở hiển thị thì màn hình của sản phẩm này lại mạnh mẽ hơn cho gaming với khả năng hỗ trợ tần số làm tươi lên đến 144Hz. Nhờ tốc độ quét cao hơn người dùng chơi game sẽ có nhiều lợi thế hơn hẳn trong các tựa game, nhất là các game bắn súng.



Đi cùng với phần nhìn là nghe. Sản phẩm này có hệ thống loa của B&O nên nghe khá hay chứ không chỉ chống điếc nhưng âm lượng không quá lớn.

Bàn phím

HP trang bị một bàn phím full-size cho người dùng, một điểm cộng khi mà nhiều chiếc laptop gaming khác trong tầm giá thường bỏ đi phần phím số. Nhờ vậy chiếc máy này trở nên đa dụng hơn với người dùng.



Hành trình phím không quá sâu- 1.5mm nhưng cảm giác gõ và phản hồi khá thích. Layout phím tương đối cơ bản nhưng chỉ riêng hàng phím Fn và hai phím mũi tên lên xuống làm nhỏ hơn ½ so với thông thường làm việc thao tác với các phím này hơi khó khăn. Đèn nền màu xanh đặc trưng với hai mức độ sáng giúp việc thao tác trong đêm dễ hơn và tăng tính gaming cho sản phẩm. Tuy không phải RGB như trend, nhưng mình cảm thấy không có vấn đề gì về điểm này trên bàn phím của HP Pavilion Gaming 15.



Phần bàn rê không lớn nhưng đủ để thao tác các tác vụ cơ bản, phức tạp thì gắn chuột ngoài rồi. Mình chỉ cảm thấy hơi khó chịu ở phần kê tay của máy hơi ít, do bàn phím đẩy xuống chừa chỗ cho phần tản nhiệt và dải loa, nên trong một số trường hợp tay mình hơi hụt khi gõ.

Cổng kết nối



Sản phẩm có cổng nguồn đặt ở phần vát góc bên trái của máy nên đỡ vướng víu khi cắm dây. Ở cạnh này còn có thêm 1 cổng USB A nữa. Các cổng kết nối còn lại của sản phẩm đặt ở cạnh phải gồm một cổng C, một cổng USB A nữa, 1 HDMI 2.0, LAN, Jack 3.5 audio+ mic combo và khe thẻ SD.



Theo mình nếu không cắm nhiều phụ kiện thì không thành vấn đề nhưng việc đặt hầu hết các cổng cắm ngoại vi ở bên phải sẽ gây vướng víu khi sử dụng chuột ngoài khi chơi game. Đổi lại mình rất ưng sản phẩm này ở việc vẫn có khe thẻ SD chứ không bị bóp thành microSD hay bỏ luôn như nhiều máy khác.

Hiệu năng

Nhờ có AMD mà người dùng laptop có thể nâng tầm khá nhiều về CPU ở một mức giá dễ chịu. Chỉ 20 triệu bạn đã có một CPU 6 nhân 12 luồng mạnh mẽ. Điểm Benchmark của Ryzen 5 4600H và GTX 1650 mình đã chấm bên dưới đều rất ổn.









Ngoài ra, CPU này của Ryzen cũng ăn ít điện và rất mát, kết hợp với hệ thống tản nhiệt khá ổn của HP nữa thì trong quá trình sử dụng HP Pavilion 15 thoải mái và mát mẻ. Chạy fulload 15 phút liên tục mà CPU cao nhất chỉ 88 độ, GPU tầm 68 độ là hết nấc, quạt chạy êm ru và có ít tiếng ồn. Rõ ràng với nhiệt độ này thì khả năng đáp ứng nhu cầu chơi game liên tục là hoàn toàn thoải mái.





Với các tựa game eSport mình sử dụng để test bao gồm CS:GO, Liên Minh Huyền Thoại, Valorant thì mức FPS nằm ở mức từ 120-150 fps tùy thiết lập. Kết hợp với tần số quét cao thì việc chơi game trên HP Pavilion Gaming 15 rất tốt. Riêng với game thế giới mở như Genshin Impact thì fps bị khóa ở 60 và máy cũng chơi ổn ở mức từ 5x -60 fps. Còn COD: Warzone thật sự là hơi nặng, máy chơi ở mức FPS từ 60-80.



Omen Command Center là ứng dụng quản lý tổng thể sản phẩm này. Thông qua Omen Center người dùng có thể kiểm tra được % CPU, GPU và nhiệt độ cũng như đường truyền mạng. Một ứng dụng khá hay của Omen Command Center là Remote Play có thể dùng smartphone để điều khiển máy tính đồng thời là kết nối tay cầm.



HP trang bị sẵn cho sản phẩm này một thanh RAM 8GB, có thêm một khe trống nên tối đa chúng ta có thể nâng cấp lên 32GB cho sản phẩm này. SSD gắn sẵn 128GB để cài Windows và các app hay dùng, không quá nhiều nhưng đây là một trang bị không thể thiếu. HDD 1TB dành để lưu trữ nhiều hơn với không nhiều yêu cầu về tốc độ.

Kết

Với 20 triệu, người dùng đã có thể sở hữu một chiếc máy mạnh mẽ, mát mẻ, hoạt động ổn định cho đa tác vụ từ học tập đến gaming hardcore là một điều rất may mắn nếu so với cách đây khoảng 3-4 năm khi mà những lựa chọn trong tầm giá này thường chỉ là những chiếc laptop intel 2 nhân 4 luồng. Ngoài ra còn là một thiết kế chắc chắn, màn hình 144hz, bàn phím gõ ngon và có cả SSD.

Xem thêm:
 
Sửa lần cuối:

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Không có thành viên trực tuyến lúc này

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom