Đánh giá Lenovo ThinkPad X390: Chiếc máy tính siêu di động dành cho các "sếp"

Hải Đại Bàng

Thất nghiệp
Staff member
Tham gia
10/2/14
Bài viết
6,324
Được thích
11,511
3288 #1


Một trong những dòng sản phẩm thành công vang dội của Lenovo chính là X series, một chuẩn mực laptop nhỏ, gọn, nhẹ, thỏa mãn tính di động cao của những người thương xuyên di chuyển, công tác xa, song song với đó là cấu hình phải mạnh mẽ, gần như giải quyết được tất cả các tác vụ thiên về xử lý công việc chung. Và ThinkPad X390 là một ví dụ điển hình trong năm 2019.

Clip trên tay Lenovo ThinkPad X390:


Cấu hình

Phiên bản mà TECHRUM trải nghiệm là phiên bản cấu hình khá cao (mã 20Q0S03Y00), có thể nói là cao nhất trong X390 series bán tại Việt Nam, cụ thể máy được trang bị vi xử lý Intel Core i7 (8565U) thế hệ thứ 8 (Whiskey Lake), RAM 8GB DDR4 và ổ cứng SSD dung lượng 256GB (M.2 PCIe). Giá chính hãng từ Lenovo là 39.450.000đ. (Tùy vào đại lý và nhà phân phối mà sẽ có các mức giá cũng như khuyến mãi, quà tặng khác nhau).



Tham khảo thêm thông tin và cấu hình chi tiết X390 tại đây: Lenovo ThinkPad X390 | Máy tính doanh nhân siêu di động 13.3” | Lenovo Viet Nam

Thiết kế & Tính năng



Về thiết kế, gần như không có sự thay đổi đáng kể nào từ những chiếc ThinkPad X đầu tiên, bởi nó là biểu tượng và phong cách đặt trưng từ thời IBM cho đến nay, không màu mè bóng bẩy, không uốn lượn cầu kì, ThinkPad nói chung và X390 nói riêng luôn có một màu đen nhung sang trọng cao cấp, cùng các góc cạnh mạnh mẽ đầy nam tính. Mặc dù X390 không được kiểm tra độ bền chuẩn quân đội MIL-STD 810G phổ biến nhưng phần khung được làm từ hợp kim aluminum-magnesium (Nhôm & Magiê) còn phần màn hình từ nhựa PPS cho độ bền cao và trọng lượng nhe cũng đủ sức đảm bảo tính bền bỉ cho ngoại thất của chiếc máy này.



Mình cũng là một người người dùng luôn say mê thiết kế đặt trưng của ThinkPad, dù có thể người dùng ở phân khúc trẻ hơn sẽ không thích và cho rằng nó có phần đơn điệu. Cũng phải, với cấu hình rất mạnh trong khi trọng lượng chỉ 1.28kg và mỏng 16.9mm, X series nới chung và X390 nói riêng thường dành cho các doanh nhân, các "sếp" thường xuyên bận rộn với công việc và di chuyển liên tục, họ cần một thiết tối giản nhất, gọn nhẹ nhất, bền bỉ nhất và đâu đó, còn phải lịch lãm nhất.



Khác với dòng Yoga, X390 dùng bản lề thép có thể mở góc màn hình đến 180°, không thể gập 360° nên dù là màn hình cảm ứng, bạn vẫn sẽ không thể gập máy lại để sử dụng như một chiếc máy tính bảng. Bản lể X390 cứng cáp, đủ cứng để không làm phần màn hình bị đong đưa hay rung lắc khi có gió mạnh, nhưng cũng đủ mượt để thay đổi góc màn hình bằng một tay một cách dễ dàng.



ThinkPad X390 là chiếc laptop mạnh mẽ, tính di động cao và rất bền bỉ.


Mặc dù nhỏ gọn và mỏng nhẹ nhưng với "sứ mệnh" là dành cho phân khúc doanh nhân / doanh nghiệp, X390 vẫn được trang bị gần như đầy đủ các cổng kết nối phổ biến, cạnh trái có cổng sạc USB Type-C 3.1 đang là xu hướng chung của thế giới, và cho cả smartphone. Ngoài ra còn có Thunderbolt 3, HDMI, USB-A, jack cắm tai nghe 3.5mm.



Bên cạnh phải có thêm một cổng USB-A, một cổng LAN để kết nối dây mạng (RJ45) phổ biến, một khe đọc thẻ smartcard và cửa thoát gió tản nhiệt. Mình không thích cách bố trí này bởi cá nhân mình thuận tay phải, thường xuyên dùng mouse (chuột) rời để làm việt nên gió tản nhiệt thoát ra ở bên phải sẽ gây chút khó chịu. Tuy nhiên đó là khi sử dụng các tác vụ nặng như photoshop, xử lý hàng loạt ảnh trong lightroom... lúc này máy sẽ sử dụng CPU nhiều hơn, gần như tối đa công suất, nên cần tản nhiệt nhiều. Đối với người dùng không có nhu cầu sử dụng tác vụ nặng thì sẽ ít khi nghe tiếng gió tản nhiệt, hoặc không sử dụng mouse rời, thì hoàn toàn không có vấn đề gì.



X390 sẽ không có khe đọc thẻ SD, thay vào đó là khe đọc thẻ microSD, được đặt ở cạnh sau của máy, cách thiết kế tương tự như kiểu khay sim trên smartphone đời mới.



Là một chiếc máy tính thiên về công việc, nên bảo mật là dĩ nhiên phải có, ngoài chip bảo mật dTPM 2.0 được tích hợp sẵn thì X390 được trang bị cảm biến vân tay ở phần nghỉ tay phải, và camera IR tương thích tốt với Windows Hello phục vụ cho việc đăng nhập nhanh và an toàn.



Cụm webcam và camera IR cũng có cửa bảo vệ gạt thủ công bằng tay, cái này tiện khi không sử dụng có thể đóng lại, tránh trường hợp máy nhiễm virus tự động mở webcam và ghi lại toàn bộ những gì xung quanh.



Tuy nhiên, cũng có điểm trong thiết kế máy mà mình chưa hài lòng lắm, đó là vì bề mặt được hoàn thiện như nhung, dễ bám bẩn, dễ thấy, nhất là đối với người có tay thường hay ra mồ hôi như mình.

Xem thêm ảnh cận cảnh Lenovo ThinkPad X390:
















Màn hình hiển thị



X390 không phải là một thiết bị được sinh ra để dành cho giải trí nên độ phân giải của máy chỉ ở mức tối đa là Full-HD (1920x1080) với độ sáng lên đến 300nits. Như vậy là rất hợp lý cho một chiếc máy thiên về công việc và kích thước màn hình 13.3", ngoài ra thì màn hình của X390 cũng được phủ một lớp chống chói khi sử dụng máy ở điều kiện ánh sáng ngoài trời hoặc ánh sáng mạnh.



Màn hình X390 cũng không chạy theo xu hướng làm mỏng viền, nếu là tín đồ của màn hình tràn viền thì bạn nên tìm một chiếc máy khác có màn hình "sexy" hơn nhé, như ThinkPad X1 Carbon chẳng hạn. Cá nhân mình thấy màn hình X390 quá ổn, không có gì để phàn nàn.

Bàn phím và bàn rê (touchpad)

Bàn phím ThinkPad có lẽ không có gì để nói nhiều, cũng như thiết kế máy, bàn phím dòng ThinkPad luôn cho trải nghiệm tốt nhất, cá nhân mình đánh giá là tốt nhất trong các máy tính xách tay hiện nay. Từ độ nảy, khoảng cách phím, độ nhạy, và đèn phím đều gần như hoàn hảo cho công việc gõ nội dung. Đối với người dùng mới với dòng ThinkPad sẽ cần khoảng 1 ngày để gõ quen và sau khi quen thì chắc chắn mọi thứ sẽ tuyệt vời.



Đối với bàn rê (trackpad), X390 bố trí diện tích bàn rê hợp lý, vừa phải và cân đối so với tổng thể máy, phần mềm điều khiển cho phép sử dụng tối đa các cử chỉ mà Windows 10 hỗ trợ cũng như sự mượt mà khi sử dụng để rê con trỏ chuột. Phía dưới trackpad không có nút bấm, còn phía trên là 3 nút có nhiều tính năng điều khiển sử dụng TrackPoint. Dĩ nhiên, núm đỏ điều khiển trỏ chuột huyền thoại vẫn ở đó và hoạt động như ngày đầu nó được khai sinh.



Hiệu năng và thời lương pin

X390 mình trải nghiệm là phiên bản mạnh, sử dụng vi xử lý Intel Core i7-8565U thế hệ 8 (Whiskey Lake), các bạn không có nhu cầu i7 thì có thể chọn phiên bản Core i5 sẽ có giá thấp hơn nhé. Phiên bản năm nay có hiệu năng xử lý tốt hơn phiên bản cũ sử dụng Intel Core i7-8550U Kaby Lake R, có thể thấy X390 xử lý tốt và nhanh nhẹn hầu hết các tác vụ thường ngày mà ở vị trí điều hành công ty như mình cần làm, kể cả xử lý ảnh photoshop, lightroom vẫn tốt đẹp dù gì nhiên mấy công việc ảnh ọt không phù hợp để làm trên một con máy 13.3" dành cho doanh nghiệp như X390.

Chỉ hơi tiếc một chút đó là RAM không thể nâng cấp thủ công, tức là nếu bạn mua bản 8GB RAM thì bạn sẽ chỉ có 8GB RAM cho đến cuối đời... máy. Nếu muốn nhiều RAM cho các tác vụ cần RAM như ứng dụng thiên về ảnh, load ảnh dung lượng lên bộ nhớ để hậu kì thì bạn nên mua máy với option 16GB RAM.

Còn ổ cứng SSD M.2 thì thoải mái, bản mình dùng có dung lượng 256GB, có vẻ ổn cho nhu cầu sử dụng doanh nghiệp, bản 128GB sẽ hơi ít đấy, tuy nhiên có thể nâng cấp thay đổi ổ cứng lưu trũ khi nào bạn có nhu cầu, chỉ cần mua ổ cứng mới và mở nắp đậy ở mặt dưới là có thể thay được, không giống như RAM bị gắn chết lên mainboard.



Lenovo ThinkPad X390 bản Core i7 không cho được thời lượng pin ấn tượng, ở thiết lập mức sử dụng pin trung bình (balanced battery), độ sáng tầm 50% sẽ trụ được 6 tiếng. Tuy nhiên thường thì chúng ta cần màn hình sáng hơn (70%-80%) và xử lý mạnh hơn nên tầm 3 - 4 tiếng là phải cắm sạc. Điều này cũng không khó hiểu vì để đổi sức mạnh thì phải chấp nhận hao pin, vậy nên các bạn sẽ phải cân nhắc để chọn X390 bản Core i5 hay là Core i7 nhé, nếu dùng máy một cách "bấy bá" trên mọi nẻo đường thì nên chọn i5 để đỡ tốn pin hơn, ngược lại, cần sức mạnh và sẵn sàng tìm chỗ có nguồn điện thì cứ i7 mà chiến thôi.

Bộ sạc USB Type-C theo máy có công suất 65W, từ 0% thì tầm 1 tiếng là nạp được 75% pin, khá nhanh, và cũng tiện ở chỗ bạn có thể mượn bộ sạc của máy khác vì Type-C hiện rất phổ biến, không phải như ngày xưa phải mang đúng bộ sạc của máy, quên là xem như xong, hết pin rồi làm lụng gì tầm này nữa....

Một số kết quả benchmark tham khảo:

Geekbench 4.0


Geekbench 4.0 OpenCL


PCMark Home Conventional 3.0


CrystalDiskMark

Có nên mua Lenovo ThinkPad X390?

+ Nên mua vì: Mạnh mẽ, nhỏ gọn nhẹ và bền bỉ, đặt biệt sạc cổng USB Type-C phổ biến. Thích hợp cho người bận rộn với công việc và thường xuyên di chuyển.

- Không nên mua vì: Độ phân giải thấp, đồ họa không ngon.

 
Sửa lần cuối:
Tham gia
24/8/19
Bài viết
5
Được thích
1
#3
Hy sinh thiết kế mua con này cũng ngon mấy bác nhỉ, bàn phím ngon và hoàn thiện xuất sắc.Phong Vũ có trưng bày em này khá đẹp
 
Top Bottom