Đánh giá Transcend JetFlash 890: USB OTG hỗ trợ cổng Type-C, tốc độ khá, giá rẻ

scarless219

New Member
Tham gia
24/11/15
Bài viết
45
Được thích
6
955 #1
Cùng với sự xuất hiện của cổng USB Type-C ( USB-C) trên máy tính hay thiết bị di động thì các thiết bị lưu trữ dạng OTG cũng bắt đầu chuyển sang dùng cổng này bên cạnh microUSB truyền thống. JetFlash 890 là chiếc USB OTG mới nhất của Transcendhỗ trợ cả 2 đầu cắm USB 3.1 và USB-C cho tốc độ truy xuất cao. Thiết kế của JetFlash 890 cũng rất nhỏ gọn, phù hợp để sử dụng cho điện thoại, máy tính bảng hay laptop.

JetFlash 890 là phiên bản nối tiếp của JetFlash 880 nên thiết kế của chiếc USB này khá tương đồng. Transcend cho biết JetFlash 890 được chế tạo bằng công nghệ COB (Chip On Board) tức chip nhớ được tích hợp lên một bo mạch mỏng. Vỏ kim loại bên ngoài cũng có khả năng chống nước và bụi bẩn.


Kích cỡ của chiếc USB OTG này là 28,6 x 14,3 x 8,6 mm, chỉ dài hơn một chút so với những chiếc USB Receiver dùng cho chuột không dây. Với những thiết bị OTG thì kích thước càng gọn càng là một lợi thế bởi khi chúng ta dùng với điện thoại hay máy tính bảng thì nó sẽ không dây vướn víu khi cầm. Trọng lượng của nó cũng rất nhẹ, khoảng 3 g. Đề phòng khả năng thất lạc thì Transcend thiết kế một gờ cong tại 1 đầu USB để chúng ta có thể luồn dây và móc chiếc USB này vào chùm chìa khóa hoặc gắn thêm một miếng gì đó cho dễ tìm. Phần gờ này còn có công dụng tạo điểm tựa để rút USB ra bởi thân USB nhỏ và trơn. JetFlash 890 cũng được trang bị nắp đậy gắn được cho cả 2 đầu để bảo vệ cho chân tiếp xúc.



Tuy nhiên, JetFlash 890 cũng có 2 nhược điểm. Đầu tiên là vỏ ngoài khá dễ trầy, dễ để lại vết qua quá trình sử dụng. Tiếp theo là vỏ kim loại của USB nóng lên rất nhanh sau khi hoàn thành tác vụ copy.

Dung lượng:


Transcend JetFlash 890 có nhiều mức dung lượng 16/32 và 64 GB. Phiên bản mình mượn được có dung lượng 32 GB về lý thuyết và thực tế sử dụng vào khoảng 29,3 GB.

Thử nghiệm tốc độ đọc/ghi:

Hiện tại các thiết bị di động lẫn laptop hỗ trợ cổng USB-C vẫn chưa nhiều nên mình chỉ có thể thử nghiệm tốc độ của chiếc USB này với chiếc điện thoại Lumia 950 và laptop MSI WT72 6QK.

JetFlash 890 với Microsoft Lumia 950: Snapdragon 808 (6 lõi), 3 GB RAM, 32 GB NAND Flash.


Các phần mềm benchmark trên Windows 10 Mobile vẫn chưa hỗ trợ benchmark tốc độ của USB OTG nên mình thử nghiệm theo cách truyền thống là cho chép file dữ liệu qua lại giữa USB và bộ nhớ trong của máy và bấm giờ.

Thử copy 96 file ảnh RAW tổng dung lượng 1,8 GB từ bộ nhớ máy sang JetFlash 890, quá trình này mất khoảng 44 giây > tốc độ ghi khoảng 41 MB/s

Thử copy 605 file hỗn hợp tổng dung lượng 6,16 GB từ thẻ nhớ SanDisk Class 10 trên Lumia 950 sang JetFlash 890, quá trình này mất khoảng 7 phút 33 giây > tốc độ ghi khoảng 13,6 MB/s.

Thử copy 1 video định dạng .mkv dung lượng 2,4 GB từ JetFlash 890 vào bộ nhớ trong của Lumia 950, quá trình này mất khoảng 31 giây, rất nhanh.


Tuy nhiên, trên thiết bị di động thì mục đích sử dụng chủ yếu của USB OTG vẫn là bộ nhớ ngoài, giúp chúng ta chuyển bớt dữ liệu máy sang USB để nhường chỗ cho dữ liệu mới hoặc chứa những dữ liệu nặng như phim, nhạc để xem mà không cần copy vào máy. Do đó, anh em sẽ ưu tiên về tốc độ truy xuất file trực tiếp trên USB OTG cũng như tốc độ copy file từ máy sang USB thay vì ngược lại.

Qua thử nghiệm trên có thể thấy nếu copy file từ bộ nhớ máy sang thì tốc độ ghi cao hơn so với từ thẻ nhớ. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi tốc độ truy xuất file từ thẻ nhớ sẽ không thể nhanh bằng tốc độ truy xuất file lưu trên bộ nhớ NAND Flash trên điện thoại.

JetFlash với MSI WT72 6QK: Intel Core i7-6700HQ 2,6 GHz, 16 GB RAM, 256 GB M.2 SSD x2 RAID 0 + HDD 1 TB 7200 rpm.


Chiếc laptop Workstation mới nhất của MSI hỗ trợ cổng USB-C 3.1 và mình dùng các phần mềm CrystalDisk Mark và USBFlashBench để đo tốc độ đọc ghi của JetFlash 890. Bên cạnh đó mình cũng thử nghiệm tốc độ truyền tải thực tế nhiều loại dữ liệu qua lại giữa máy và JetFlash 890:

CrystalDisk Mark:

Thử nghiệm tốc độ đọc ghi của JetFlash 890 với chuẩn USB-C 3.1, kết quả: 106,7 MB/s (đọc) và 45,51 MB/s (ghi) ở chế độ Sequential Test.

Thử nghiệm tốc độ đọc ghi của JetFlash 890 với chuẩn USB 3.1, kết quả: 101,3 MB/s (đọc) và 51,59 MB/s (ghi) ở chế độ Sequential Test.

Chế độ này thể hiện hoạt động đọc/ghi liên tục đối với một tập tin, tương tự như khi bạn mở 1 video lưu trên USB hay khi bạn copy một file vào USB. Ở bài test CrystalDisk Mark, mặc định test count sẽ là 5 và dung lượng file thử nghiệm là 1 GB.

USBFlashBench:


Kết quả từ USBFlashBench thì chính xác hơn với tốc độ đọc trung bình khoảng 100 Mb/s và tốc độ ghi trung bình khoảng 23 - 25 MB/s.

Thử nghiệm thực tế với cổng USB-C 3.1 trên MSI WT72 6QK:


Mình cho copy qua lại các gói dữ liệu nhiều loại dung lượng từ máy sang USB và ngược lại, kết quả như sau:

Copy 5,5 GB hỗn hợp gồm 15 file, 4 thư mục từ ổ RAID 0 sang JetFlash, kết quả: mất 4 phút 9 giây, tốc độ ghi nhanh nhất 31 MB/s, tốc độ ghi chậm nhất 19 MB/s.

Tương tự, mình thử nghiệm copy 5,5 GB hỗn hợp như trên vào 1 chiếc USB 3.0 khác là Kingston DataTraveler 16 GB, kết quả: mất 10 phút 37 giây, tốc độ ghi nhanh nhất 10,7 MB/s, tốc độ ghi chậm nhất 8,65 MB/s.

Như vậy, so về tốc độ ghi dữ liệu thì JetFlash 890 giao tiếp USB 3.1 cho tốc độ cao hơn ít nhất là gấp đôi so với USB 3.0 và khoảng thời gian hoàn thành cũng được cắt ngắn xuống còn chưa đến 1 nửa. Như vậy con số thực tế rất gần với thông số lý tưởng theo đó tốc độ của USB 3.1 nhanh gấp đôi USB 3.0 và gấp 4 lần USB 2.0.

Thử nghiệm với gói dữ liệu lớn hơn:


Copy 25,3 GB hỗn hợp gồm 220 file, 9 thư mục từ HDD sang JetFlash 890, kết quả: mất 19 phút 8 giây, tốc độ ghi nhanh nhất 36 MB/s, tốc độ ghi chậm nhất 22 MB/s.

Copy 13,8 GB hỗn hợp gồm 14943 file, 7090 thư mục từ ổ SSD sang JetFlash 890, kết quả: mất 19 phút 32 giây, tốc độ ghi nhanh nhất 26 MB/s, tốc độ ghi chậm nhất 20 MB/s.

Thử nghiệm copy ngược dữ liệu từ USB sang máy:

Copy 5,5 GB hỗn hợp gồm 15 file, 4 thư mục từ JetFlash 890 sang ổ HDD Hitachi HTS72 7200 rpm, kết quả: mất 1 phút, tốc độ ghi nhanh nhất 101 MB/s, tốc độ ghi chậm nhất 79 MB/s;

Copy 5,5 GB hỗn hợp tương tự từ JetFlash 890 sang ổ RAID 0 2 x M.2, kết quả: mất chưa đến 1 phút, tốc độ ghi nhanh nhất 147 MB/s, tốc độ ghi chậm nhất 136 MB/s.

Qua những thử nghiệm trên, hy vọng anh em có thể hình dung được tốc độ truyền tải dữ liệu giữa máy tính và chiếc JetFlash 890. Những gói dữ liệu mình thử nghiệm đều rất quen thuộc gồm hình ảnh, nhạc, phim và thậm chí là cả thư mục game đã giải nén.

Kết luận:

JetFlash 890 là một chiếc USB OTG tốt, tốc độ khá cao và mức giá dễ chịu. Nếu có nhu cầu lưu trữ ngoài, giảm tải cho thiết bị di động hay chỉ đơn thuần là khai thác tốc độ của chuẩn USB 3.1 thì JetFlash 890 là một giải pháp hợp lý. Thêm vào đó, thiết kế của JetFlash 890 cũng đủ nhỏ gọn và chắc chắn để chúng ta có thể yên tâm sử dụng, mang theo thường xuyên.

Hiện tại về loại USB OTG dùng cổng USB-C thì mình chưa thấy nhiều, bên cạnh JetFlash 890 còn có SanDisk Dual Drive Type-C, Kingston DT microDuo 3C và Lexar M20C OTG. Với cùng dung lượng 32 GB, thì Transcend JetFlash 890 có giá $18,72, SanDisk Dual Drive Type-C có giá $29,95, Kingston DT microDuo 3C giá $13,99 và Lexar JumpDrive M20C giá khoảng $14,99.
 

Lobandurmark

New Member
Tham gia
24/3/16
Bài viết
16
Được thích
0
#2
có con này đem đi làm usb otg tiện lợi nhỏ gọn nhiều khi đang quay video hay chụp ảnh mà điện thoại hết dung lượng thì lôi e nó ra là một sự lựa chọn hoàn hảo
 

Achard

New Member
Tham gia
24/3/16
Bài viết
8
Được thích
0
#3
tốc độ đọc cũng khá nhanh..bây giờ cần gì phải mua điện thoại dung lượng lớn làm chi dậy cho tốn kém, sinh viên nghèo mua cái này về thôi là đủ sài rồi
 
Top Bottom