Bạo lực gia đình, vết thương tâm hồn của những đứa trẻ!

System32

New Member
Tham gia
5/9/21
Bài viết
12
Được thích
15
169 #1
- Cha đi nghen

Đó là một ngày, khi còn tờ mờ sáng, con nhỏ nằm trong mùng, mắt nhắm mắt mở còn ngái ngủ, vẫn nghĩ như mọi lần, cha về quê dăm hôm lại lên. Nhưng từ hôm đó, cha nó không về với nó nữa.

Mẹ chỉ nói: “Cha đi công chuyện, vài bữa nữa cha lại về”. Nhưng vài bữa nữa là khi nào, nó đợi một tuần, rồi một tháng, một năm, không thấy cha về. À thì ra, cha nó về với mẹ cả rồi, không ở đây nữa.

Mẹ của nó là vợ bé, nói là vợ bé thế thôi chứ không có đăng kí kết hôn, hai người chỉ làm đám cưới, rồi chung sống với nhau như một cặp vợ chồng danh chính ngôn thuận vậy.

Nó vẫn còn nhớ như in những trận đòn mà mẹ nó phải chịu, những bãi máu lênh láng khắp nhà, dăm ba bữa một trận. Dẫu còn rất nhỏ, thậm chí nó còn chưa có sự nhận thức rõ ràng về mọi chuyện, nhưng dường như nó có thể cảm nhận được những đau đớn, những tủi hờn mà mẹ nó trải qua. Không biết đã bao nhiêu lần, cô nhóc nhỏ xíu còn chưa lên lớp một ấy đã quỳ xuống, van xin cha nó rằng: “Cha ơi cha! Cha đừng đánh mẹ nữa mà.” Và rồi mọi chuyện vẫn đâu vào đấy, vẫn là những trận bạo hành tiếp diễn từ ngày này qua tháng khác.

Nó không hiểu được, cha nó không hề rượu chè, không bài bạc, tử tế với tất cả mọi người. Vậy mà…
Có vài lần, mẹ nó bỏ đi, đem theo cả nó và thằng em trai, nhưng sau đó cha nó đến, xin mẹ nó quay về. Vậy mà mẹ của nó vẫn mủi lòng dồng ý. Nó chẳng hiểu tại sao.

Sau cái ngày mà cha nó bỏ đi, nó dường như thấy được sự thiếu vắng, trống trải trong ngôi nhà. Nhưng nó cũng nghĩ, như thế là tốt cho mẹ và cả cho nó nữa. Dù cuộc sống cỏ thể hơi vất vả, nhưng như thế sẽ bình yên hơn.

Và rồi đứa trẻ ấy cũng lớn lên, quen với việc chuyển nhà, chuyển trường, những lần ra Bắc vào Nam. Nó hình như có những suy nghĩ trưởng thành hơn đứa bạn cùng trang lứa của nó. Nó hiểu được những khổ nhọc của mẹ đã đánh đổi để cho nó cũng được đến trường, được có quần áo đẹp, được có những món đồ chơi.
Ai cũng thấy rằng nó chín chắn, nó sâu sắc, nó lớn trước tuổi. Nhưng không ai hỏi nó đã trải qua những chuyện gì, không ai quan tâm nó lớn lên như thế nào. Chính bạo lực gia đình, những lần đi đây đi đó vì cha nó đánh mẹ, những thiếu thốn tuổi thơ đã dạy nó lớn khôn như thế.

Nó cũng hận cha, nhưng dường như ở nơi lồng ngực trái của nó vẫn có tình phụ tử, không cho phép nó đoạn tuyệt với ông ấy. Nhưng nó buồn, buồn cho thanh xuân, cho tuổi trẻ của mẹ, buồn cho những tình cảm ít ỏi mà nó nhận được từ cha. Đôi khi nó cũng ước có một mái ấm gia đình trọn vẹn và chạnh lòng mỗi khi đám bạn nó nhắc về cha với một giọng điệu đầy tự hào. Còn nó thì xấu hổ…

Nhiều lúc nó cũng trách tại sao cuộc đời ngang trái, trách người cha vô trách nhiệm chưa một lần cho nó về thăm quê nội, trách ông tàn nhẫn và bạc bẽo đối với mẹ con nó.

Bạo hành gia đình là một thứ gì đó rất kinh khủng, dã man và tàn bạo trong cuộc sống này. Nó giống như một con dao, sắc nhọn, cắt đi tính người, cắt đi hạnh phúc gia đình. Điều đó không chỉ để lại vết sẹo trên cơ thể mà còn là vết hằn sâu trong tâm hồn, những vết hở nơi trái tim mà bao nhiêu yêu thương cũng chẳng thể lấp đầy. Và những đứa trẻ lớn lên trong bạo lực gia đình cũng khép mình hơn, sống nội tâm hơn, niềm tin đối với cuộc đời cũng chẳng còn trọn vẹn.
Mỗi chúng ta chỉ được sống một lần trên đời, vậy nếu không thể đem lại hạnh phúc cho nhau thì cũng đừng mang đến những tổn thương, những đau khổ. Được chung sống với nhau ở kiếp này chính là duyên nợ rất sâu đậm ở kiếp trước. Chúc bình yên…

Cre: Hoài An
(Tâm Sự Mỗi Ngày GenZ)
 

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Không có thành viên trực tuyến lúc này

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom