[Chia sẻ] Chuyện cái ổ cứng SSD, tư vấn nâng cấp SSD cho Macbook Pro / Air

Tham gia
5/3/14
Bài viết
1,166
Được thích
2,078
34802 #1

Chắc hẳn trong số các thành viên đam mê công nghệ của techrum, ai cũng đều đã từng nghe hoặc đang sử dụng ổ cứng SSD. Vậy nếu bạn đã từng nghe qua hoặc đang sử dụng SSD thì có bao giờ bạn tìm hiểu hay tự hỏi về cơ chế hoạt động cũng như nhiều thứ khác liên quan tới SSD chưa?

Trong bài viết sau đây, mình sẽ nêu tất tần tật về SSD, từ sơ lược cho tới hiệu năng tốc độ, giá cả thị trường và kể cả các ưu nhược điểm của SSD. Xin mời các bạn tìm hiểu cùng techrum nhé!

Sơ lược về SSD


SSD là viết tắt tiếng Anh của Solid State Drive, là giải pháp ổ cứng thể rắn có nhiều ưu điểm vượt trội so với HDD truyền thống. Một ổ SSD đồng thời mô phỏng quá trình lưu trữ và truy cập dữ liệu giống như ổ đĩa cứng (HDD) thông thường và do đó dễ dàng được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Ổ SSD sử dụng bộ nhớ Flash để lưu dữ liệu, Không giống như HDD vốn ghi dữ liệu lên các phiến đĩa.

Các đặc tính


Nhờ việc sử dụng bộ nhớ Flash lưu dữ liệu, hoạt động đọc/ghi dữ liệu của SSD không kéo theo sự chuyển động của bất cứ phần nào trên ổ đĩa và do đó làm ổ đĩa bền hơn so với HDD truyền thống vốn phải dùng các lá đồng và vòng xoay để đọc hoặc ghi dữ liệu lên phiến đĩa, SSD gần như không gây ra tiếng ồn, không có độ trễ cơ học nên mang lại tốc độ truy cập cao hơn. Đồng thời không mất quá nhiều thời gian khởi động như ổ đĩa HDD.

Ngoài ra, nhờ không sử dụng đầu đọc cơ học để truy cập dữ liệu, SSD tiêu tốn ít điện năng hơn HDD và có thể hoạt động ở điện áp thấp hơn so với HDD, kích thước nhỏ gọn hơn. Do đó, SSD thường được sử dụng trong nhiều máy tính điện áp thấp, các laptop đắt tiền. Ổ SSD của Texas Instrument sử dụng Flash có thời gian truy cập dữ liệu là 15 micro giây, nhanh gấp 250 lần ổ cứng HDD truyền thống, còn các ổ SSD thương mại trên thị trường sử dụng bộ nhớ flash có thời gian truy cập dữ liệu từ 80-120 micro giây.

Theo thông tin mình ghi nhận từ WIkipedia, ổ SSD có nhiệt độ hoạt động cao hơn HDD, thông thường rơi vào khoảng nhiệt tầm 55 độ C. Một số ổ flash nhiệt độ hoạt động lên đến 70 độ C. SSD còn có những hạn chế về dung lượng lưu trữ, độ bền đọc/ghi so với ổ HDD thông thường. Hiện nay một ổ SSD dạng Flash có thể đọc và ghi tối đa khoảng 10.000 lần cho ổ loại MLC và 100.000 lần cho ổ loại SLC. Ổ SSD đắt hơn nhiều lần so với HDD nếu tính trên đơn vị dung lượng lưu trữ.

Các loại ổ cứng SSD


Cũng giống như rất nhiều những sản phẩm trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, SSD cũng có nhiều loại khác nhau: loại cực "xịn", loại trung bình, loại...tạm được. Có nghĩa rằng không phải tất cả các mẫu SSD đều cho hiệu năng giống nhau.
  • SLC: Tính ổn định cao, giá bán cho mỗi GB lưu trữ cao hơn.
  • MLC: Công nghệ được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm SSD bán cho người dùng phổ thông, có giá bán mỗi GB rẻ hơn 1 chút so với SLC.
  • TLC: Các SSD dùng công nghệ này có giá bán rẻ nhất nhưng hiện chưa xuất hiện trên thị trường. Đơn giản bởi nhà sản xuất chưa sẵn sàng áp dụng công nghệ này cho các sản phẩm người dùng phổ thông, đồng thời độ ổn định trong thời gian dài của nó cũng rất kém.

Giá bán của các loại SSD

Các giao tiếp SSD

Các giao tiếp phổ biến của SSD bao gồm SATA II, SATA III, hay PCI-e. 2 giao tiếp cho tốc độ cao hơn nhiều so với SATA II.


Từ bảng trên chúng ta có thể thấy các SSD dùng giao tiếp SATA II sẽ làm giảm đáng kể hiệu năng của sản phẩm, do các SSD này chỉ cho tốc độ truy xuất dữ liệu tối đa 384 MB/giây. Các SSD dùng giao tiếp PCI-e cho tốc độ truy xuất cao, nhưng nhìn chung, SSD loại này khá đắt. Với người dùng phổ thông, các SSD dùng giao tiếp SATA III là lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Một ví dụ cho thấy tốc độ tuyệt vời của PCI-e là mẫu OCZ RevoDrive 3 X2 - một trong những SSD đắt nhất hiện nay - khi chúng cho tốc độ đọc/ghi lần lượt là 1 GB và 925 MB/giây.

Tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa (Max Sequential Read/Writes)


Model SSD của Crucial

Khái niệm này được các nhà sản xuất đưa ra với mục đích marketing nhiều hơn là có ý nghĩa cho việc sử dụng thực tế hàng ngày của người dùng. Tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa chỉ tính cho việc truyền tải tập tin lớn và việc di chuyển tập tin mất nhiều thời gian. Do ổ cứng có thể đọc và ghi các tập tin đơn dung lượng lớn nhanh hơn nhiều so với nhiều các tập tin nhỏ và dung lượng ngẫu nhiên, nên thông số tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa thường không có nhiều ý nghĩa thực tế, trừ phi bạn có nhu cầu đọc ghi các tập tin có dung lượng lớn.

Tốc độ đọc/ghi ngẫu nhiên (4 KB Random Read/Writes)


SSD SanDisk Extreme Desktop 120GB SATA 3 6Gb/s 2.5"
Đây có thể nói là các thông số có ý nghĩa thực tế và bạn nên để ý. Nó được sử dụng như 1 công cụ benchmark để "tái tạo" các tình huống sử dụng thực tế của người dùng. Tốc độ này thường được viết tắt bằng thông số IOPS (ví dụ như bạn sẽ thấy trong phần thông số kĩ thuật SSD có ghi 90.000 IOPS). Chúng ta đều biết quá trình sử dụng máy tính, việc phải đọc các tập tin có dung lượng nhỏ như các tập tin cache của trình duyệt, cookies, page file, lưu game, tài liệu...diễn ra thường xuyên. Các thông số IOPS lớn hơn đồng nghĩa với việc tốc độ đọc các file nhỏ của SSD cao hơn. Bạn cũng có thể quy đổi thông số IOPS ra chuẩn MB/giây theo công thức sau để dễ hình dung hơn:

IOPS x 4 / 1024 = tốc độ MB/giây​

Một ví dụ cụ thể hơn, nếu thông số tốc độ trên SSD ghi là 90.000 IOPS, thì tốc độ truyền tải dữ liệu tính cho các tập tin dung lượng thấp (mà chúng ta thường xuyên sử dụng tới như đã nói trên) là 90.000 x 4 / 1024 = 351,56 MB/giây. Quay trở lại bên trên, ở phần tốc độ đọc ghi tuần tự tối đa, một model SSD thường được nhà sản xuất quảng cáo cho tốc độ đọc ghi tuần tự tối đa là 515 MB/giây nhưng tốc độ đọc/ghi ngẫu nhiên cũng chỉ đạt khoảng 351,56 MB/giây mà thôi.

Tốc độ đọc ghi trung bình

Đây là phương pháp đo tốc độ SSD ở giữa 2 phương pháp trên, tuy nhiên, hiện nay thì nhà sản xuất không cung cấp cách thức mà họ dùng để đo tốc độ này nên chúng ta cũng chưa có cách nào biết được chúng có lợi ích gì và áp dụng vào thực tế sẽ như thế nào.

Nên thay SSD nào cho Macbook Pro?


Crucial, một trong những thương hiệu lớn về thiết bị lưu trữ và bộ nhớ, dòng SSD M4 với giao tiếp mSATA – một chuẩn rút gọn của SATA, hướng đến các laptop mỏng nhẹ như Ultrabook, nhưng vẫn đáp ứng hiệu năng cực tốt của SSD truyền thống. Dòng SSD M4 mSATA này có tốc độ và độ ổn định như dòng SSD M4 SATA chuẩn 2.5” bình thường nhưng về kích thước thì chỉ nhỏ bằng 1/8. Các SSD mSATA thông thường được dùng như bộ đệm để tăng tốc cho các ổ cứng HDD truyền thống. Theo công bố của Crucial, dòng SSD nhỏ gọn nêu trên có tốc độ đọc lên đến 500MB/s và rất tiết kiệm năng lượng, đồng thời hỗ trợ công nghệ Intel Smart Response và ứng dụng đệm dữ liệu Dataplex của NVELO.

Theo lời khuyên từ mình, thì mình nghĩ các bạn nên sử dụng SSD Crucial M4, chạy cực ổn và không gặp bất cứ lỗi gì cả. Dưới đây là demo cách thay ổ cứng này cho Macbook Pro và chạy thử tốc độ.


Nên thay SSD nào cho Macbook Air?


Về cơ bản, bạn vẫn có thể nâng cấp thêm dung lượng SSD cho chiếc Macbook Air, Nhưng Macbook Air dùng chuẩn SSD nhỏ hơn rất nhiều so với Macbook Pro, nhất là phiên bản Macbook Air từ 2013 trở đi.

Macbook Air 2013 sử dụng giao tiếp PCIe, cũng khác với thế hệ trước.


Do vấn đề kích thước, việc bạn có thể nâng cấp SSD cho Macbook Air sẽ khá khó khăn và bạn phải trả một giá tiền rất cao.

Lời khuyên dành cho bạn là lúc mua máy nên đặt Option dung lượng cao hơn nếu nhu cầu sử dụng yêu cầu không gian lưu trữ lớn, hoặc bạn có thể mua thêm ổ SSD gắn ngoài. Việc thay SSD cho Macbook Air khá phức tạp và bạn sẽ rất khó khăn để có thể mua được SSD cho Macbook Air đấy!


PhotoFast cung cấp ổ SSD cho MacBook Air


Những chiếc MacBook Air siêu mỏng giờ đây có thêm một lựa chọn mới từ PhotoFast để nâng cao khả năng lưu trữ của mình với việc cho ra mắt các ổ SSD nhằm cung cấp giải pháp truyền dữ liệu tốc độ cao. Model mới này được gọi là GM2 SFV1 Air.​

Với những ai sở hữu MacBook Air của Apple, hẳn nhiên điều lo lắng là không thể nâng cấp máy. Đặc biệt là trong thời buổi hiện nay, dung lượng phần mềm, nhạc, phim đều tăng nhanh khiến cho dung lượng ổ cứng gắn trong không thể đáp ứng được. Dĩ nhiên giải pháp là mua thêm ổ cứng ngoài, tuy nhiên tốc độ lại không cao do hầu hết đều dùng chuẩn USB 2.0. Hãng PhotoFast đã nghiên cứu và phát triển 1 loại ổ cứng nâng cấp dành riêng cho MacBook Air mang tên GM2 SFV1 Air.

PhotoFast GM2 SFV1 Air là 1 loại SSD có thể nâng cấp/thay thế dung lượng lưu trữ (tương tự như các card PCIe SSD dạng modular). Với các mức dung lượng 64GB, 128GB và 256GB cùng chip điều khiển SandForce SF-1200, sản phẩm không chỉ mang đến dung lượng lưu trữ bổ sung, mà còn cung cấp tốc độ đọc ghi nhanh chóng. Hiệu năng của GM2 SFV1 Air cụ thể là 250MB/s khi thực hiện tác vụ đọc ghi tuần tự; khi thực hiện tác vụ đọc ghi ngẫu nhiên, tốc độ tương ứng là 50MB/s và 30MB/s. Ngoài ra, PhotoFast còn kèm theo sản phẩm 1 adapter USB 3.0 giúp nâng cao hiệu năng và tốc độ truyền tải dữ liệu của MacBook Air.

Tham khảo Wikipedia và GamersNexus
Lấy ảnh từ Google
techrum.vn
 
Last edited by a moderator:

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Không có thành viên trực tuyến lúc này

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom