Cuộc chiến độ phân giải màn hình kéo dài cả thập kỷ đã đến hồi kết

Mr.X

Well-Known Member
Tham gia
28/8/22
Bài viết
2,052
Được thích
89
4236 #1

Trong hơn một thập kỷ, các nhà sản xuất smartphone đã quảng cáo độ phân giải như một yếu tố quan trọng để quyết định chất lượng màn hình. Thậm chí ngày nay, bạn sẽ thấy một số smartphone hàng đầu như Sony Xperia 1 IV và Galaxy S22 Ultra coi màn hình 4K và Quad HD (QHD) là điểm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, đã có rất nhiều thay đổi kể từ khi độ phân giải QHD và 4k ra mắt lần đầu tiên vào năm 2013-2015, thời điểm mà màn hình 5.5 inch là tiêu chuẩn.

Samsung Galaxy S6 Edge, một trong những smartphone đầu tiên có màn hình QHD, với mật độ điểm ảnh gần 580 pixel mỗi inch (PPI). Tuy nhiên, Galaxy S22 Plus của năm nay thậm chí không đạt 400 PPI, do độ phân giải FHD thấp hơn và màn hình 6.6 inch lớn hơn.

Màn hình Quad HD đúng là tiêu chuẩn trên tất cả các thiết bị hàng đầu chỉ vài năm trước đây. Vậy tại sao các nhà sản xuất smartphone gần như đồng lòng từ bỏ cuộc đua mật độ điểm ảnh này?

Một trong những lý do lớn nhất là màn hình độ phân giải quá cao sẽ tiêu thụ nhiều năng lượng. Độ phân giải cao hơn về mặt lý thuyết sẽ yêu cầu nhiều năng lượng hơn cho những pixel bổ sung. Thử nghiệm năm 2019 của trang AndroidAuthority từng phát hiện ra rằng smartphone có màn hình QHD tiêu thụ nhiều pin hơn khoảng 20% so với màn hình FHD. Con số đó ngày nay có thể khác, nhưng sự khác biệt về tiêu thụ năng lượng vẫn tồn tại.

  • Sony Xperia 1 IV

Màn hình độ phân giải cao cũng đòi hỏi sức mạnh xử lý nhiều hơn, đặc biệt là trong các tác vụ và game đồ họa cao. Nhiều SoC hàng đầu hiện đại vẫn không thể cung cấp mức hiệu suất đó trong thời gian dài. Vấn đề này phức tạp hơn bởi thực tế là nhiều SoC hiện đại được thiết kế để tối đa hóa hiệu suất, ngay cả khi nó phải trả giá bằng nhiệt độ cao và tiêu thụ năng lượng nhiều hơn. Đó cũng có thể là lý do tại sao chúng ta đã thấy nhiều smartphone dù hỗ trợ độ phân giải cao hơn, nhưng mặc định vẫn sẽ để FullHD khi xuất xưởng.

Màn hình QHD tốn nhiều năng lượng và còn đòi hỏi sức mạnh xử lý nhiều hơn


Bên cạnh đó, việc tốc độ làm mới của màn hình ngày càng được người dùng quan tâm hơn cũng sẽ tác động mạnh đến những màn hình độ phân giải siêu cao.

Ngoài ra, kính VR dựa trên smartphone đã gần như biến mất. Thực tế ảo từng là động lực lớn để các nhà sản xuất và người tiêu dùng lựa chọn màn hình QHD và 4K. Chúng ta có thể nhìn lại dòng Galaxy S6 một lần nữa, đây cũng là dòng sản phẩm đầu tiên hỗ trợ kính Gear VR của Samsung.

Samsung ngừng hỗ trợ cho Gear VR sau khi ra mắt Galaxy Note 10 năm 2019 và Galaxy S20 năm 2020. Khoảng 1 năm sau, Samsung đã hạ cấp độ phân giải trên Galaxy S21 và S21+ xuống FHD, dành QHD+ cho S21 Ultra.

  • Gear VR

Có khả năng việc VR không còn sức hút đã góp phần giảm độ phân giải trên smartphone. Ở khoảng cách mà người dùng nhìn vào màn hình, thường từ 30 đến 40 cm, hầu hết mọi người sẽ không nhận thấy rõ sự khác biệt giữa màn hình FHD và QHD.

Ở khoảng cách xem bình thường, sự khác biệt giữa FHD và QHD là rất nhỏ


Cuối cùng, phần lớn nội dung trên smartphone ngày nay vẫn đang ở mức FHD. Chỉ một số ít các dịch vụ phát trực tuyến cao cấp hỗ trợ độ phân giải ở mức giữa như QHD, hầu hết các dịch vụ được mặc định là FHD hoặc 4K.

Ngoài mật độ điểm ảnh, điều gì tạo nên một màn hình smartphone tốt?


Dù vì lý do gì mà các hãng đang từ bỏ cuộc đua độ phân giải, thì đây cũng là điều có lợi cho cả người dùng và nhà sản xuất. Không còn theo đuổi độ phân giải, các nhà sản xuất màn hình có thể tập trung vào các lĩnh vực khác, quan trọng hơn. Với sự ra đời của nội dung HDR và tốc độ làm mới cao, chất lượng hiển thị trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Các điện thoại Android đời đầu có tấm nền LCD với góc nhìn hẹp, dải màu hạn chế và độ sáng thấp. Chúng ta đã đi được một chặng đường dài kể từ đó. Ngày nay, ngay cả những smartphone giá rẻ cũng có màn hình OLED với độ sáng phù hợp và khả năng tái tạo màu sắc ở mức khá. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mọi màn hình smartphone đều được tạo ra với chất lượng ngang nhau.

Chất lượng tấm nền, hiệu chuẩn của nhà máy và cài đặt phần mềm đều có thể ảnh hưởng đến chất lượng hình ảnh thu được. Và đó thậm chí còn chưa tính đến các yếu tố như tiêu thụ năng lượng và tuổi thọ.

Không thể đánh giá chất lượng màn hình chỉ dựa trên độ phân giải mà nhà sản xuất quảng cáo


Mặc dù hầu hết smartphone ngày nay đều có dải màu rộng (wide color gamut), nhưng nhiều điện thoại không thể hiển thị chính xác màu sắc. Một màn hình được hiệu chỉnh không đúng cách có thể bị thiên về tông màu lạnh hoặc ấm. Ví dụ, điều này có thể làm cho cảnh hoàng hôn trông rực rỡ như một ngọn lửa. Cũng có các màn hình không thể xử lý đúng phần tối của hình ảnh khi phát nội dung HDR. Điều này có thể là do mức độ tương phản thấp của tấm nền hoặc dải màu sắc được cấu hình không chính xác trong phần mềm.

  • iPhone 13 Pro Max và Pixel 6 Pro

Trong trường hợp này, bất kể màn hình của bạn có độ phân giải như thế nào, hình ảnh vẫn sẽ trông không đẹp mắt. Bạn không thể đánh giá chất lượng thật sự của màn hình chỉ dựa vào thông số mà nhà sản xuất đưa ra. Trong khi những thứ như độ phân giải và mật độ điểm ảnh sẽ được công bố theo sản phẩm, thì hầu như không có nhà sản xuất nào liệt kê rõ ràng độ chính xác màu sắc của màn hình.

Rất nhiều điều đã thay đổi kể từ khi màn hình smartphone QHD đầu tiên được tung ra thị trường. Thay vì cố gắng cải thiện độ chân thật của hình ảnh bằng cách tăng số lượng pixel, chúng ta đã thấy các nhà sản xuất tập trung nhiều hơn vào các tính năng cải thiện trải nghiệm tổng thể. Ví dụ như tăng khả năng hiện thị nội dung HDR và nâng tốc độ làm mới để mang đến sự mượt mà.

Đối với tương lai của màn hình smartphone, rõ ràng độ phân giải không còn là điều quan trọng nhất. Các vấn đề như tăng tiêu thụ năng lượng, tỏa nhiệt và tạo áp lực cho bộ xử lý đã làm cho mật độ điểm ảnh siêu cao trở nên không thiết thực. Và khi hầu hết người tiêu dùng không thể nhận ra được sự khác biệt, thì các nhà sản xuất tự nhiên sẽ không phải chạy đua nâng cấp về mặt này nữa.

Tham khảo: AndroidAuthority
 
Sửa lần cuối:

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom