[Cuộc sống] Điều gì sẽ xảy ra khi ta ăn thực phẩm siêu chế biến trong vòng một tháng?

IMEI Phạm

Well-Known Member
Tham gia
2/6/19
Bài viết
1,842
Được thích
505
846 #1

Thực phẩm siêu chế biến (hay ultra-processed food) có lẽ là điều rất quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta nhưng bản chất của chúng là gì và nếu ăn quá nhiều chúng thì sẽ ra sao?

Trước khi chúng ta đi vào bài thì thực phẩm siêu chế biến là các loại thực phẩm chế biến dạng công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên và có các chất không dùng trong việc chế biến thức ăn xét theo diện hằng ngày như chất phụ gia, chất bảo quản,.... Các nhà khoa học đã phân chia chúng 4 loại như sau:
  • Loại 1: Thực phẩm chưa qua chế biến / chế biến tối thiểu
    • Gồm các loại thực phẩm chưa qua chế biến / chế biến tối thiểu mà không dùng thêm thành phần nào khác (nêm, ướp gia vị), chẳng hạn như rau củ rửa sạch, cá / thịt rửa sach.
  • Loại 2: Thực phẩm nấu ăn
    • Gồm các loại thực phẩm từ nhóm 1 đem đi ướp gia vị rồi nấu chín. Mục đích nhằm làm chúng thơm ngon hơn, phù hợp cho các bữa ăn gia đình hoặc là thành phần nguyên liệu cho món khác.
  • Loại 3: Thực phẩm chế biến
    • Là loại thực phẩm có được khi thêm thực phẩm loại 2 vào thực phẩm loại 1, hầu hết có 2-3 thành phần. Việc chế biến làm tăng độ bền và thay đổi hương vị của thực phẩm loại 1.
    • Các loại thực phẩm đóng hộp, chất có cồn (rượu, bia) cũng nằm ở loại này.
  • Loại 4: Thực phẩm siêu chế biến
    • Là loại thực phẩm chế biến theo dạng công nghiệp, thường có từ 5 thành phần trở lên, gồm cả các thành phần được sử dụng cho thực phẩm chế biến loại 3 (muối, đường,....) và có các chất khác như phụ gia (casein, lactose,....)
Như vậy, chúng ta đã hiểu được các loại thực phẩm mà bản thân đang dùng hằng ngày. Tiếp đến, chúng ta hãy quay lại vấn đề đang được đặt ra như ở trên.


Theo một khảo sát cho thấy hơn một nửa năng lượng từ thực phẩm ở Anh được cho là đến từ các sản phẩm siêu chế biến. Có những lo ngại rằng những thực phẩm này khiến mọi người ăn nhiều hơn và tăng cân. Cứ 4 người lớn ở Anh thì có 1 người bị béo phì, cũng như 1/5 trẻ em từ 10 đến 11 tuổi dính phải.

"Tôi muốn tìm hiểu xem chế độ ăn với nhiều thực phẩm chế biến sẵn có ảnh hưởng gì đến tôi", Tiến sĩ Chris Van Tulleken, người dẫn chương trình Chúng ta đang cho trẻ ăn gì? (hay What are we Feeding our Kids?) trên kênh BBC One đã phát hôm thứ 5, 27/5/2021 lúc 21:00 GMT+1.

Hiện có rất ít các nghiên cứu về cách thức thực phẩm siêu chế biến "tương tác" với cơ thể chúng ta, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên, những người ăn loại thực phẩm này nhiều hơn người lớn bình thường.


Với thí nghiệm được chiếu trên phim tài liệu, anh Chris đã thử tăng lượng thức ăn siêu chế biến từ mức 30% lên mức 80% trong 4 tuần. "Nghe có vẻ cực đoan nhưng đó là chế độ ăn mà cứ 5 người ở Anh thì có một người ăn như vậy", anh nói.

Sau khi một tháng kết thúc, Chris đã báo cáo lại rằng có tình trạng ngủ kém, chứng ợ nóng, cảm giác không vui, lo lắng, uể oải và ham muốn tình dục thấp. Anh cũng dính phải tình trạng táo bón. "Tôi cảm thấy già hơn 10 tuổi", anh nói nhưng "không nhận ra rằng tất cả chỉ là [vì] thức ăn cho đến khi tôi ngừng chế độ ăn đó".

Anh Chris đã tăng gần 7kg trong 4 tuần và chuyển từ cân nặng bình thường sang thừa cân. "Nếu tiếp tục tăng cân với tốc độ đó trong sáu tháng, tôi sẽ bị tình trạng six stone (tạm gọi là quá thừa cân)", anh nói. Chuyện không chỉ dừng lại ở đó.


Các phần quét cho vùng hoạt động của não cho thấy các vùng não của Chris chịu trách nhiệm khen thưởng (hay khích lệ) đã liên kết với các vùng thúc đẩy hành vi lặp đi lặp lại một cách tự động.

"Ăn thực phẩm siêu chế biến đã trở thành điều mà não của tôi chỉ đơn giản là bảo tôi phải làm mà tôi thậm chí không muốn", anh nói và cho biết thêm rằng đây là một phản ứng tương tự của não đối với việc uống các chất mà chúng ta coi là gây nghiện cổ điển như thuốc lá, rượu và ma túy.

Những thay đổi trong hoạt động của não không phải là vĩnh viễn nhưng "nếu nó (tức thực phẩm siêu chế biến - NV) có thể làm được điều đó trong 4 tuần đối với bộ não 42 tuổi của tôi thì nó đang làm gì với bộ não đang phát triển mỏng manh của con chúng ta", anh nói.


Chúng ta không biết chính xác lí do tại sao thực phẩm siêu chế biến lại có những tác dụng này nhưng anh Chris cho biết hầu hết các giả thuyết đều dựa trên sự kết hợp giữa hoạt động vật lí của quá trình chế biến và sự tạo thành chất dinh dưỡng của chúng.

Anh Chris nói chuyện với Tiến sĩ Kevin Hall, điều tra viên cấp cao của Viện Y tế Quốc gia Anh trên phim tài liệu này. Để nghiên cứu thì tiến sĩ Hall đã thử nghiệm 2 chế độ ăn đã được kết hợp về mặt hàm lượng chất béo, đường, muối và chất xơ nhưng một loại được tạo thành từ thực phẩm chưa qua chế biến và loại còn lại gồm khoảng 80% thực phẩm là siêu chế biến.

Những người tham gia có thể ăn các loại thực phẩm được cung cấp cho đến khi họ muốn dừng lại. Nghiên cứu của anh cho thấy "những người ăn theo chế độ thực phẩm siêu chế biến sẽ ăn nhiều hơn 500 calo mỗi ngày [và] tăng gần 1 kg trọng lượng cơ thể trong 2 tuần", anh Hall cho biết.


Các xét nghiệm máu cho thấy sự gia tăng hormone gây đói và giảm hormone khiến chúng ta cảm thấy no trong số những người tham gia ăn chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn.

Những kết quả này phù hợp với trải nghiệm của anh Chris khi lượng hormone đói của anh này tăng 30% trong quá trình thử nghiệm và điều này có thể đã khuyến khích tiêu thụ thực phẩm quá mức.

Anh Hall cũng nhận thấy những người tham gia chế độ ăn thực phẩm siêu chế biến ăn nhanh hơn nhiều so với những người theo chế độ ăn thực phẩm chế biến tối thiểu, điều này có thể góp phần tiêu thụ nhiều calo hơn.


Bản thân anh Chris cũng đã trải qua điều này vì nhiều “thức ăn rất dễ nhai và nuốt”. Các nghiên cứu trước đây cũng đã gợi ý rằng việc ăn chậm làm giảm cảm giác gây thèm đói.

"Tôi thấy mình thèm ăn thường xuyên hơn nhiều", anh Chris nói. Nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra một số loại thực phẩm gồm pizza, sô cô la (hay chocolate), khoai tây chiên giòn và bánh ngọt có thể gây cảm giác thèm ăn, mất kiểm soát và không thể cắt giảm.

Có bằng chứng là thực phẩm giàu carbohydrate và chất béo (cũng như nhiều loại thực phẩm chế biến cực nhanh) có thể kích hoạt các vùng trung tâm của não chịu trách nhiệm khen thưởng, cảm xúc và động lực.


Một nghiên cứu hình ảnh não bộ cho thấy khi ta càng nhận được phần thưởng từ thực phẩm thường xuyên thì bản thân càng phải tiêu thụ nhiều hơn nhằm duy trì cảm giác thích thú.

Nhiều loại thực phẩm siêu chế biến cũng đã trải qua các nhóm định hình để làm cho chúng trở nên "hoàn hảo". Hương vị, mức độ mặn, cảm giác miệng, nhai và thậm chí cả âm thanh mà chính thực phẩm đó tạo ra khi ăn có thể đã được tinh chỉnh.

"Tôi không nghĩ có ai ở bất kì công ty thực phẩm nào đặt ra mục đích làm cho mọi người tăng cân", anh Chris nói và cho biết thêm một "tác dụng phụ của thức ăn thực sự ngon là rất khó bỏ ăn".


Thực phẩm có thể được phân loại là chế biến tối thiểu hoặc chưa qua chế biến (cà chua), đã chế biến (cà chua đóng hộp) và siêu chế biến (nước sốt mì ống cà chua mua ở cửa hàng).

Một số thực phẩm siêu chế biến tốt cho sức khỏe hơn những thực phẩm khác như ngũ cốc ăn sáng nguyên hạt, bánh mì cắt lát nguyên cám, đậu nướng đóng hộp và đậu nành không đường hoặc đồ uống có nguồn gốc thực vật, tất cả đều được dạng siêu chế biến nhưng có lợi ích dinh dưỡng. Tương tự như vậy thì nước sốt mì ống làm sẵn, các bữa ăn sẵn và thịt cắt lát cũng có thể tốt cho sức khỏe.

Một số thực phẩm chế biến sẵn không được chế biến quá kĩ nhưng bất kì loại thực phẩm nào bao gồm các chất phụ gia và hóa chất không được sử dụng trong nấu ăn tại nhà có lẽ là như vậy. Sự sẵn có, tiện lợi và tiếp thị của thực phẩm chế biến cực nhanh khiến cho việc loại bỏ nó "gần như không thể", anh Chris cho biết.


Mặc dù chế độ ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến không được khuyến khích nhưng ăn chúng xét theo mức độ ít thường xuyên hay dịp đặc biệt không có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe, theo chuyên gia dinh dưỡng Ro Huntriss. "Có một chế độ ăn uống lành mạnh chính là sự cân bằng cho tất cả", cô nói.

Thật vậy, nếu chúng ta ăn quá nhiều thực phẩm siêu chế biến trong thời gian dài thì sẽ gây hại cho sức khoẻ, nhất là tăng khả năng gây ra bệnh béo phì cũng như làm tăng ngay cơ tử vong sớm lên 14%, dẫn theo một nghiên cứu của Pháp cho biết.

Bên cạnh đó, nếu dùng các loại thực phẩm siêu chế biến có lợi cho sức khoẻ thì nhìn chung không có vấn đề gì gây hại nhưng lời khuyên tốt nhất có lẽ nên tìm nguồn thực phẩm an toàn, tự nhiên và ít độc hại nhất có thể, sau đó tự tay chế biến sẽ đảm bảo nhất.


Ngoài ra, cố gắng vận động hay tập thể dục thường xuyên đúng khả năng, đúng sức và kết hợp với thực phẩm cùng chế độ ăn dinh dưỡng và lành mạnh thì chúng ta sẽ có một sức khoẻ tốt nhất.

Hi vọng là sau bài viết này chúng ta sẽ có thêm một thông tin hay và bổ ích, có thể ứng dụng ngay vào cuộc sống. Chúc các bạn luôn vui khoẻ!

Xem thêm:


Theo BBC Food.​
 
Tham gia
20/4/18
Bài viết
39
Được thích
11
#2
Những thực phẩm này không tốt cho cơ thể, mình không nên ăn thường xuyên đâu ạ!
 
Tham gia
27/9/16
Bài viết
52
Được thích
34
#3
Nhìn thì ngon, ăn cũng khá là hấp dẫn. Nhưng nếu như bảo duy trì ăn trong 1 tháng thì...không tốt cho sức khỏe 1 chút nào đâu ạ!
 

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom