Làm thế nào để lựa chọn ổ cứng di động đúng cách

tinln12

New Member
Tham gia
7/3/22
Bài viết
4
Được thích
0
253 #1
Với sự linh hoạt trong công việc và giải trí ngày nay trên máy tính (PC/ Laptop), thì thực tế rằng số dung lượng trên ổ cứng có sẵn đôi khi không đủ. Nhất là với máy tính xách tay, dung lượng ổ SSD thường không cao để tiết kiệm chi phí cho người dùng. Bài này chia sẻ một số ý kiến liên quan đến vấn đề mở rộng dung lượng, trước khi chúng ta mua 1 chiếc ổ cứng di động.

Có một câu vui thế này khi mua hàng, đó là khi mua hớ một sản phẩm nào đó, chúng ta hay tự an ủi bản thân bằng câu nói: “bỏ tiền mua kinh nghiệm”. Có rất nhiều sợi dây kinh nghiệm cần rút như: mua không đúng nhu cầu (không đủ/ dư dung lượng cần thiết), chi quá nhiều để mua dịch vụ kèm theo hay chọn nhầm chọn ổ HDD, SSD,…

Phải như ngày xưa, ổ cứng di động không có nhiều lựa chọn do SSD không phổ biến thì việc lựa chọn sẽ đỡ phức tạp hơn. Bây giờ, kỷ nguyên số hóa với sự phát triển bùng nổ của SSD, bạn dễ dàng tìm được một chiếc ổ cứng với tốc độ nhanh, dung lượng lớn đến từ đa dạng các thương hiệu.

Ngoại trừ các thương hiệu lớn về ổ cứng di động như Samsung, SanDisk, WD, Seagate,… đem đến những dải sản phẩm đa dạng và uy tín thì trên thị trường ngoài ra cũng có nhiều sự xuất hiện từ các thương hiệu khác như Transcend, Kingston, ADATA, Apacer, Colorful, Corsair, Gigabyte, Intel, Kingmax,… Đọc tên thôi cũng khiến chúng ta không nhớ nổi, nên việc “chọn mặt gửi vàng” để tìm cho chiếc ổ cứng phù hợp không dễ. Rồi còn phải tìm hiểu cấu hình, so sánh độ bảo mật, độ bền và mức giá,…

Thôi để mình vô đề bài luôn, liệt kê ra từng mức lựa chọn phù hợp, cho các bạn dễ hình dung.

Chọn theo thương hiệu ổ cứng phổ biến

Nếu như bạn là người dùng “ưu tiên” về thương hiệu thì như mình đã nói, các thương hiệu ổ cứng lâu đời và phổ biến tại thị trường VN hiện nay là Samsung, WD và Seagate. Cả 3 hãng đều có những dải sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng, tùy công việc cần mức độ dung lượng lưu trữ lớn như thế nào.

Đối với dòng ổ cứng HDD 3.5 inch, bây giờ thì kích thước 2.5 inch phổ biến hơn nhiều rồi, chúng ta không cần quá nhiều quan tâm sự khác nhau giữa hai kích thước này (3.5 phù hợp với PC). Phân khúc này thì WD và Seagate vượt trội nhất vì hai nhà sản xuất trên quá nổi tiếng về ổ cứng HDD. Các HDD sản phẩm của Seagate như là Expansion (giá bình dân), One Touch, Ultra Touch (thời trang, mỏng và nhỏ) trong khi WD là My Passport, My Passport Ultra.

Ngoài ra, nếu bạn là người dùng thường xuyên hơn với PC, cần ổ cứng rời để làm việc, chơi game chẳng hạn thì có lựa chọn thêm là Seagate Expansion Portable, One Touch Desktop Hub, FireCuda Gaming Hub (hoặc Dock) hay WD Elements Desktop, My Book.

Nói về nhược điểm HDD, thì bệnh chung là dễ hư hỏng khi di chuyển liên tục (dùng đĩa từ và đầu đọc/ghi) trong khi ưu điểm là giá rẻ/dung lượng lớn. Tùy nhu cầu của bạn với các lựa chọn dung lượng từ 500GB đến tầm 10TB trở lên, các thương hiệu trên sẽ có những sản phẩm phù hợp. Và tất nhiên rồi, ổ cứng này dành cho tín đồ yêu thích sự uy tín của thương hiệu, nên đôi khi giá sẽ chênh lệch chút với các thương hiệu khác trên thị trường.

Đối với ổ SSD, thì Samsung vượt trội nhờ các dòng sản phẩm đạt khả năng đọc/ghi dữ liệu rất nhanh. Dòng EVO và QVO của họ thì quá nổi tiếng trên thị trường, một số như: External T5, T7 Touch, 870 Evo, Qvo,… Còn đối với WD, sản phẩm sẽ là My Passport (Go) SSD. Seagate với Expansion SSD, Ultra Touch SSD, One Touch SSD hay FireCuda Gaming SSD. Ngoài ra các dòng khác như Sandisk External Extreme, Transcend 220 series, ADATA Ultimate,…

Nói về ưu điểm của ổ SSD, nếu như các bạn dư dả về về tài chính thì Samsung chính là thương hiệu có uy tín để mua. Hãng này chạy đua rất ghê về tốc độ đọc/ghi và giá tất nhiên rồi, chát. Một ổ cứng Samsung SSD 860 Evo 1TB khoảng trên 3 triệu, mức giá đó ngang bằng với Seagate Expansion Portable 4TB, tức là gấp 4 lần dữ liệu.

Dĩ nhiên, không thể so sánh tốc độ và tính bền, chịu va chạm của hai loại ổ cứng này được do tính chất khác nhau. Nhưng đây cũng là ưu điểm của SSD, ngoài việc truy xuất dữ liệu nhanh thì với bộ nhớ flash trên bảng mạch, SSD sẽ có độ bền khi bị va đập, thích hợp cho người đi công tác, thích di chuyển: nhiếp ảnh gia, vlogger, dân văn phòng. Điểm yếu của SSD chính là tuổi thọ kém (đo bằng chỉ số TBW) hơn HDD khi ghi dữ liệu có giới hạn. Tức là sau vài năm, ổ SSD sẽ không thể ghi/ đọc tiếp tục dữ liệu được nữa – hỏng.

Ví dụ:

Ổ cứng SSD dung lượng 200GB, được bảo hành 5 năm. DWPD - nghĩa là mỗi ngày bạn có thể viết 200GB lên ổ đó trong 5 năm. TWB sẽ được tính là: 200GB (dung lượng) x 365 (ngày) x 5 (năm) = 3.650TB. Nếu DWPD là 10 thì bạn có thể viết mỗi ngày 10 x 200GB = 2TB, tức là vòng đời cả 5 năm của nó sẽ ghi được 3.650TB = 3,65PB.

TBW = DWPD * Thời gian bảo hành * 365 * Dung lượng ổ cứng/1,000
DWPD = TBW * 1000 / (Dung lượng ổ cứng * Thời gian bảo hành * 365)
(1 TB = 1024 GB nhưng theo các công ty sản xuất phần cứng quy định là 1 TB = 1000 GB)

Ngoài ra, nhược điểm lớn của SSD chính là giá/dung lượng vẫn còn cao. Bên dưới mình sẽ nói rõ hơn về giá, dung lượng và nhu cầu cho các bạn.

Chọn theo nhu cầu


Nếu nói về nhu cầu thì có quá nhiều nhu cầu để phân loại cho việc lưu trữ, từ hay công tác, đi chơi xa, đến người thích ngồi làm việc ở nhà, giải trí tại gia cho đến ưu tiên tốc độ cao của SSD, hoặc mẫu mã đẹp của ổ cứng,.. Như vậy, mình sẽ chia nhu cầu làm hai phần: bị động và linh hoạt.
- Bị động: người ít di chuyển ổ cứng đi nhiều nơi hoặc ít đi xa. Nhóm khách hàng: studio dựng phim, chụp ảnh, streamer, văn phòng – lưu tài liệu nội bộ, chơi game nặng,.. Trường hợp này, nên lựa chọn HDD để đạt dung lượng lớn và tối ưu chi phí. Đối với người dùng Gaming, thường chơi trên PC thì “màu mè” sẽ đem đến những trải nghiệm tốt hơn. Dòng FireCuda Gaming của Seagate cũng có thể là một lựa chọn.
- Linh hoạt: người hay di chuyển với ổ cứng, làm việc trong môi trường khắc nghiệt. Nhóm khách hàng: vlogger, nhiếp ảnh gia, thường xuyên công tác, kỹ sư,.. Trường hợp này, SSD sẽ được khuyến nghị vì khả năng đọc/ghi nhanh, bền. Nếu sử dụng HDD, mọi người cần mua case bảo vệ hoặc phải giữ thật kỹ ổ cứng đó. Vì điểm yếu mình đã nói ở trên.
  • Đối với người thích sự nhỏ gọn, một số dòng như: Sandisk Extreme Portable (có chuẩn chống nước bụi IP55), Samsung 860/870 Qvo, 860/870 Evo, Seagate One Touch SSD, Transcend 220S/200Q,…
  • Người thích sang trọng, lịch lãm, tối giản: Seagate Ultra Touch, WD Green/Blue, T5/T7 Touch,…
  • Người thích sự đơn giản, ưu tiên về giá: Seagate Expansion, ADATA Ultimate, Apacer Panther
Chọn theo dung lượng

Ở trường hợp này, nếu mọi người muốn tối ưu về dung lượng (càng lớn, càng rẻ càng tốt) thì HDD mình nói hồi đầu bài sẽ là lựa chọn tốt nhất. WD và Seagate vẫn là “best choice” trong tầm giá. Nếu bạn là fan của hãng nào, thì mua hãng đó thôi. Còn nếu trong lựa chọn SSD, thì rõ ràng như Samsung, WD, Sandisk, Seagate sẽ có giá chênh lệch với thị trường nhờ vào sự uy tín và phổ biến. Vì vậy, một số dòng đến từ các thương hiệu Lexar, Transcend, ADATA, Apacer,… sẽ là thích hợp.

Ưu tiên về bảo mật, cứu dữ liệu


Dữ liệu chính là mạch máu của chúng ta ngày nay, bao gồm các tập tin, hình ảnh, video hay tài liệu quý. Rõ ràng, tính thuận lợi khi gắn ngoài của ổ cứng di động cũng kèm theo nhiều rủi ro về bảo mật nếu như chúng ta bị thất lạc, hoặc bị đánh cắp, không giám sát kỹ ổ cứng.

Các nhà sản xuất hiện nay đều có những phần mềm bảo mật nhằm tối ưu hóa khả năng bảo vệ thông tin cho người dùng trên ổ cứng. Seagate với phần mềm Seagate Toolkit, mã hóa phần cứng AES-256, giúp người dùng quản lý, sao lưu và đặt mật khẩu. WD với AES 256, Samsung với bảo mật vân tay T7 Touch, tính năng Thư mục bảo mật ẩn, Transcend với Enscryption - Mã hóa và bảo mật cho tệp và thư mục, sao lưu StoreJet Elite,… Điều này tuy không được nhiều bạn quan tâm bằng giá bán, nhưng thật sự rất quan trọng. Trong thời đại số, rõ ràng, dữ liệu của chúng ta thật sự quý vô cùng và cần bảo vệ nó một cách toàn diện nhất.

Một thứ quan trọng nữa mà mình muốn nhắc tới, cứu dữ liệu. Bằng một cách nào đó, có thể do nhân tai, phần mềm hay virus, thảm họa khiến ổ cứng chúng ta một ngày đẹp trời lăn đùng ra hỏng. Cái này thì dễ lắm nha, ví dụ như ổ HDD cầm đi thường xuyên va đập nhiều, ổ SSD quá cũ và TBW tới giới hạn, ổ bị chập điện,…

Việc cứu dữ liệu thì hiện nay, mình check thông tin (nếu mọi người có thì bổ sung giúp nha) thì thấy không có nhiều hãng tiến hành, thay vào đó là chúng ta sẽ đi sửa với bên thứ 3. Có 2 thứ chúng ta cần lo về việc cứu dữ liệu cho bên thứ 3: giá tiền tính theo GB và độ an toàn.

Tùy dung lượng, kích thước 2.5 hay 3.5 innch, tùy theo ổ cầm tay hay để bàn thì giá sẽ từ vài trăm đến hơn chục triệu đồng. Mức giá thì mình không dám bàn vì điều kiện bất khả kháng, không ai muốn nhưng việc giao cho bên thứ 3, độ an toàn dữ liệu của chúng ta sẽ rất mỏng manh.

Mình tìm hiểu thì đến giờ, Seagate là hãng có dịch vụ cứu dữ liệu cho người dùng chính hãng (không hỗ trợ hàng xách tay) miễn phí lần đầu. Mọi người mua thì nhớ hỏi kỹ ổ cứng của mình được dịch vụ đó không nhé. Bảo hành và dịch vụ cứu dữ liệu là khác nhau, nên mọi người hãy hỏi kỹ nhằm sau này quay vô trách móc mình chia sẻ không kỹ nha.

Cảm ơn mọi người đã đọc bài. Đúng hai nghìn chữ cho một bài chém gió. Hahahaha.
 

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom