Mời xem bộ tranh đầu tiên về các loài "YÊU . MA . QUỶ . QUÁI" dựa theo truyền thuyết dân gian Việt Nam

HaiiDeas

Viết dạo...
Tham gia
23/4/16
Bài viết
14,115
Được thích
17,189
16836 #1

Hơn 2000 năm, bộ tranh đầu tiên về các "YÊU . MA . QUỶ . QUÁI" trong truyền thuyết dân gian người Việt. Tác giả lựa chọn mỗi tỉnh thành một loài để phát triển lên thành hình ảnh, những nơi không có loài phù hợp sẽ dựa vào mẫu chạm khắc trên kiến trúc cổ nhất của tỉnh thành đó để dựng hình. Bộ tranh gồm có 3 phần (Tranh - Tích - Tổng hợp), mời các bạn cùng xem và để lại cảm nhận về bộ tranh này nhé.

Bản quyền nội dung thuộc về Fan Page YÊU MA QUỶ QUÁI (album gốc). Nếu các bạn thấy hay thì nhớ ghé like ủng hộ nhóm phát triển và các tác giả đóng góp cho bộ tranh này nhé.

bộ tranh tranh về các loài "YÊU . MA . QUỶ . QUÁI":


  • TÍCH: Cá Bông là cặp cá được tin là cá thần sống ở khu vực quanh Miếu Phù Châu hay còn gọi là Miếu Nổi ở Sài Gòn.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: "Tác giả Huỳnh Minh khi viết về ngôi Miếu này có nhắc lại một chuyện truyền khẩu: Tương truyền cách nay mười mấy năm, trên sông Bến Cát trước ngôi miếu thường có cặp cá bông to lớn nổi lờ đờ trên mặt nước, mọi người trông thấy cho đó là cặp cá thần của bà cậu, đồng bào quanh vùng không ai dám đá động gì cả, mỗi lần nổi lên như vậy thì trong làng có chuyện lục đục không an, hoặc ra điều cho người chết đuối dưới sông." - Huỳnh Minh, Gia Định xưa trang 86, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin (2006)



  • TÍCH: Sấu Năm Chèo là loài quái cá sấu năm chân (chèo) mũi đỏ khổng lồ ở An Giang. Cá sấu vốn sống trong chùa, xổng ra hòa vào lòng sông. Các tích thời xưa kể rằng ban đầu cá sấu hại người nhưng về sau, các tích thời cận đại lại kể rằng loài quái thường xuyên bảo vệ nhân dân, nhất là trong hai cuộc kháng chiến. Đây là truyền thuyết rất phổ biến không chỉ ở An Giang mà còn lan đi khắp miệt Cửu Long. Công trình Hồ Cá sấu Năm Chèo đã được khởi công xây dựng để ghi nhớ về loài quái này.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Các cụ lão nhắc lại, thời xa xưa, ông Đình Tây theo thầy là Đức Phật thầy Tây An đi khẩn hoang ở miệt Thất Sơn. Vì có ơn cứu người nên ông Đình Tây được tặng một con sấu nhỏ dị hình mũi đỏ, có 5 chân. Ông Đình Tây lén thầy nuôi sấu, nó lớn rất nhanh và một đêm mưa to gió lớn sấu bứt xích thoát ra sông. Hay tin sấu dữ hoành hành bắt gia súc, rượt đuổi dân lành, đức thầy phiền muộn cho ông Đình Tây các bảo pháp gồm một cây mun cổ phụng, một lưỡi câu và hai cây lao đi diệt trừ nghiệt súc. Sấu rất khôn, đang phá phách nghe tiếng ông Đình Tây lặn trốn mất, túng thế ông Đình Tây bèn nói giữa thinh không: “Bớ nghiệt súc, nếu chưa tới số thì từ nay yên lặng, đừng nổi lên gây hại xóm làng, còn như mạng căn đã hết thì hãy sớm chịu oai trời…”. Từ đó sấu nằm im dưới đáy sông. (theo thanh niên)



  • TÍCH: Yêu Cá là con gái vua Thủy Tề trong truyền thuyết ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Yêu Cá có tình cảm với con người nhưng bị vua cha cấm cản. Mỗi năm năm hai người mới được tương phùng một lần.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Vào thời xa xưa, có một chàng trai làng chài siêng năng, tốt bụng. Một hôm kéo lưới, anh bắt được một con cá vàng xinh xắn. Thấy cá đẹp, người con trai bèn mang lên núi, khoét đá thành một vũng nước rồi cho cá vào nuôi. Có một lần, đi biển trở về anh ra thăm cá, thì thật lạ thai không thấy cá đâu. Chung quanh là cả một rừng cây hoa trái xum xuê. Bỗng từ trong núi, một nàng thiếu nữ xinh đẹp bước ra xưng mình là công chúa Thuỷ Tề, trong lúc vui chơi chẳng may bị sa lưới. Hai người đem lòng cảm mến và kết thành phu phụ.

    Cuộc sống đang đầm ấm yên vui thì một ngày mùa thu, trời trong mây nhẹ, hai vợ chồng đang ngồi ăn cơm thì thấy có người đi ở ngoài vào tay cầm hộp ngọc sáng chói. Người vợ hoảng hốt chưa kịp đứng dậy thì người khách đã đưa hộp ngọc ra, sấm chớp nổi lên và lập tức người vợ bị thu vào trong hộp ngọc. Người chồng đau đớn van xin cho vợ được tha, nhưng không được. Trong hộp người vợ đã biến thành con cá vàng hai mắt đẩm lệ nhìn ra. Long Vương cảm thương tình cảm của chàng trai bèn cho họ cứ năm năm thì được gặp một lần trên đỉnh núi này. Từ đó, dân làng gọi tên là núi Tao Phùng. (theo coviet)



  • TÍCH: Yêu Xương là hài cốt một nữ nhân bị đánh ghen hóa thành. Khi ở dạng tinh, Yêu Xương thường mặc chiếc áo màu đỏ.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Chuyện yêu quái ở Xương Giang / Truyền kỳ Mạn lục / Nguyễn Dữ (theo maxreading)



  • TÍCH: Giao Long có nhiều truyền thuyết ở nước ta, đối với Bắc Kạn, tác giả chọn Giao Long gắn với tích về hồ Ba Bể để đại diện. Giao Long từng hóa thành một cụ già để thử lòng người. Giao Long từng trao vỏ trấu cho hai mẹ con nhà nọ để tránh trận lụt sắp tới.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Sự tích hồ Ba Bể (theo sachhayonline)



  • TÍCH: Neak Ananta là loài rồng năm đầu sống tại cõi tiên và được cho rằng có khả năng tạo ra sự sống trong văn hóa Khmer. Đối với các tỉnh thành miền Tây chưa có loài quái đặc biệt, tác giả chọn ra một loài trong nền văn hóa Khmer, nền văn hóa giao hòa tại miệt Cửu Long sông nước. Tại Bạc Liêu, chọn Neak Ananta, loài Rồng Năm Đầu được điêu khắc khá nhiều trong Chùa Xiêm Cán (1887).



  • TÍCH: Rắn Hàm Luông là quái rắn khổng lồ ở sông Hàm Luông Bến tre. Loài này từng hiện thân cứu trợ thuyền bè người dân khi gặp nạn.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Vào những năm đầu thế kỷ XVIII, bốn tộc họ Nguyễn, Phan, Trịnh và Võ được coi là những người có công khai phá vùng đất này. Hồi ấy, ông bà mình đàng ngoài bị chiến tranh liên miên, mất mùa, đói kém nên dong thuyền vào Nam để mưu sinh.

    Trong lúc vượt con sông Hàm Luông để đến với vùng đất trù phú nhưng còn hoang sơ của xứ sở Cù Lao Minh (bao gồm huyện Mỏ Cày, Thạnh Phú và Chợ Lách của tỉnh Bến Tre ngày nay) họ gặp phải sóng gió to gió lớn, thuyền bè chao đảo. Bất ngờ một con rắn lớn xuất hiện nâng thuyền qua sông cập bến an toàn. Cảm ơn rắn cứu mạng nên sau này khi lập đình xong người dân liền thỉnh ông rắn về thờ (theo vietnamnet)



  • TÍCH: Hẩu là hình tượng rất đặc trưng ở Bình Dương, phát xuất từ điệu múa cùng tên đến từ người Hoa từ thời xưa. Khi chọn Hẩu, tác giả nghĩ đây là loài quái đặc trưng nhất của tỉnh này vì ngoài Bình Dương, không có nơi nào loại hình này phát triển mạnh mẽ được như thế.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Một điệu múa dân gian vùng Bình Dương, giờ đã trở thành phổ biến (theo tuoitre)



  • TÍCH: Voi Đá là truyền thuyết về đàn voi cưỡi của chư tiên tiên bị hóa đá tại Vườn Quốc gia Bù Gia Mập ngày nay.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Ngày xửa, ngày xưa, vào một ngày đẹp trời các vị tiên đã cưỡi voi xuống trần gian tại khu vực Thác Đăk Lung để ngắm cảnh và tắm thác. Đến chiều trên đường về đến khu vực (Bãi đá voi bây giờ), người con của một vị tiên bị ốm và qua đời. Cả đoàn vô cùng buồn bã, đáp xuống bãi đất trống để chuẩn bị an tang cho đứa con xấu số, thì bỗng dưng sấm, sét đùng đùng, trời tối sầm lại, thời tiết trở nên vô cùng lạnh giá, khiến cho các vị tiên, người hầu và các chú voi đều bị hóa đá. (theo vuonquocgiabugiamap)



  • TÍCH: Bò Nandi là vật cưỡi của thần Shiva trong văn hóa người Chăm ở Bình Thuận.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Tác giả vẫn chưa tìm ra loài yêu, ma, quỷ, quái nào trong tích của người Kinh tại Bình Thuận. Vì vậy đã tìm đến nét đẹp trong văn hóa người Chăm, dân tộc phổ biến nơi đây. Bò Nandi là loài được thờ tại tháp Po Sah Inu tỉnh này. Đối với tác giả thì Bò Nandi như một vật cưỡi của thần chứ chưa ra sức bảo vệ con người như Rùa Vàng nên tạm để loài này là Quái. Cách để này vẫn còn mang tính chủ quan và chưa xác đáng được.



  • TÍCH: Cọp Bình Thủy là tích về con cọp đưa bà mụ đến hộ sinh cho thai phụ. Thật ra đây là mô thức rất phổ biến và có tích trên khắp cả nước.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Ngày xưa, ở vùng này có một con cọp tu lâu năm, tánh linh như người. Ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình. Chồng đăng lính triều Nguyễn đi trấn giữ vùng biên cương Cao Miên. Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước.

    Một con cọp đã tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn. Một đêm nọ, con cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp sợ quá ngất xỉu. Cọp tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp.

    Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh. Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ đã trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết, con cọp đã bắt heo trả lễ. Cho rằng đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ. Ngoài ra, cư dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều giai thoại khác liên quan đến việc Thần Hổ cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi hổ chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể làm tượng cốt đặt trong miếu thờ. (theo baocantho)



  • TÍCH: Long Mã Cao Bằng là một trong ba hình tượng Long Mã Việt Nam. Khác với hai loài kia, Long Mã Cao Bằng đặc trưng hơn ở hình dáng thuần ngựa và cách được thụ thai: Cha rồng ẩn vào mây đen đến hoan ca cùng mẹ ngựa.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Tục truyền rằng một hôm Trí Cao đang chăn ngựa trên núi, bỗng thấy một vầng mây đen chở một con rồng đến phủ lên một con ngựa cái trong bầy ngựa đang ăn cỏ. Đến khi ngựa con do rồng phủ sinh ra, Trí Cao bắt cỡi, thấy nó sức lực phi thường, vượt núi như bay. (theo quehuongonline)



  • TÍCH: Cáo Núi là loài yêu được nhắc đến trong quá trình khẩn hoang Đà Nẵng của người dân vùng Hòa Khánh. Cáo từ trên núi cao nhìn thấy lưu dân cực nhọc đã cùng bạn mình hóa thành hai cô gái đến giúp con người rồi biến mất từ đấy. Bạn của bà là yêu Chim Rừng. Loài này có xuất hiện trong tích ở Khánh Hòa nên tác giả chỉ chọn một loài riêng nhất của Đà Nẵng đưa vào. Tích này hoàn toàn không liên quan đến Hộ Quốc Phu nhân (Đầu người mình cáo).

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Theo lời kể của người dân trong vùng : Hồ Ly Cửu Vĩ tiên nương (Cáo 9 đuôi tu luyện thành tiên nữ) và Phấn Nhĩ Quỷ Vương tiên nương (Chim xù lông, tu luyện thành vương ,trấn giữ cõi quỷ) là hai chị em và là đấng bảo trợ cho dân làng. Xưa làng Xuân Thiều là một vùng đất hoang vu đầy chướng khí, rừng cây rậm rạp , có nhiều thú dữ. Những người đầu tiên đến khai khẩn vùng đất này gặp lắm hiểm nguy, hằng ngày phải chống chọi với thú dữ, bệnh tật hoành hành khiến nhiều người ốm đau, chết chóc.

    Dân làng khấn nguyện thần linh phù hộ để họ vượt qua những khó khăn đang bao quanh họ. Vào một đêm nọ dân làng thấy một con cáo 9 đuôi từ trong hang chui ra và một con chim lông xù từ trên núi bay về và biến thành hai người phụ nữ xinh đẹp. Hai bà trừ khử thú dữ và chữa bệnh cho dân trong làng. Sau đó không ai thấy hai bà nữa, kể từ đó trong làng được bình yên. Dân làng tin là tiên nương trên trời xuống giúp nên lập miếu thờ. (theo ninh-hoa)



  • TÍCH: Quái Đầu To đặc trưng về hình dạng quả đầu to như quả núi, mắt lớn bóng sáng như nồi đồng, răng nhọn, râu dài, toàn thân lấp lánh ánh vảy. Quái có cánh và vòi. Quái Đầu To có thể phun ra dòng nước phép thuật. Thật ra loài này không có tên cụ thể, Quái Đầu To là cách tác giả nghĩ gọi dễ nhớ và hợp lẽ nhất cho loài.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Thuở xa xưa có nàng con gái tên HaeMi, ngày ngày cùng người yêu lên rừng đốn cây làm rẫy bên nhau. Một hôm, trong lúc hai người ngồi nghỉ chân bên một tảng đá, bỗng có một con quái vật đầu to như quả núi, mắt lớn tựa nồi đồng, răng nhọn, râu dài, toàn thân có vảy lấp lánh như bạc, xuất hiện trên bầu trời rồi bắt đầu sà xuống đầu đôi tình nhân đang ngồi. Con quái vật cắm sâu cái vòi xuống mặt đất, tạo thành cột nước khổng lồ phun lên, nó xòe đôi cánh bay lượn mấy vòng phun nước tạo thành một cơn mưa lũ dữ dội rồi biến mất. Cô gái trong phút giây khiếp đảm bỗng tan biến vào lớp mây mù, còn chàng trai biến thành một gốc cây lớn, cắm sâu vào ghềnh đá nằm bên dòng suối có tiếng nước buồn như tiếng khóc. (theo taichinhcujut)



  • TÍCH: Quái Vịt là truyền thuyết về loài Vịt của Trời có công ăn hết tám mặt trời và tám mặt trăng, giúp cho thế gian tránh được họa tự nhiên. Vịt từ đó bị cháy phần mỏ.



  • TÍCH: Quái Ngỗng là trường hợp văn hóa khá đặc biệt. Quái là hai linh hồn nhập vào cơn sóng và hiện ra ở dạng hai con ngỗng. Theo tư liệu gốc là quyển Nam kỳ Cố sự, tác giả gọi đây là cặp sóng thần. Tuy nhiên đây chỉ là cách dùng từ vì theo truyền lại thì sóng thần lại phát xuất từ hồn ma.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Cặp sóng thần ở sông Vàm Mang / Nam Kỳ cố sự



  • TÍCH: Ma Mẹ Ma Con là truyền thuyết ở Sa Đéc, Đồng Tháp. Tích này kể về một hồn ma nữ có thai với con người rồi hạ sinh ra con cũng là ma. Cả hai về sau bị một luồng sét đánh đến tan biến.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Tại làng Tân-thuận Đông (Sa-đéc) có một nông phu sống trong một gian nhà lá trơ trọi giữa đồng. Vùng này nổi tiếng nhiều ma. Đối với làng xóm, anh tự nhận là đã có vợ con. Nhưng chẳng bao giờ người ta thấy mặt, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng anh bảo vợ nấu nước, làm thức ăn, hoặc la rầy đứa con nghịch ngợm. Hay khi có người nào định ngồi vào võng thì anh cản lại, nói có con mình nằm trong đó. Dân làng để tâm rình mò quả thấy trong nhà anh có bóng một người đàn bà và một đứa bé chừng bốn tuổi, nhưng khi vào nhà lại chẳng thấy gì.

    Một hôm bỗng có tiếng sét nổ, nhà anh bốc cháy, người ta thấy anh khóc sướt mướt kể chuyện cho xóm giềng hay: vợ anh là một cô gái chết oan không chịu đi đầu thai, lại vốn có duyên nợ với mình nên lấy nhau, sinh được một con. Tiếng sét vừa qua đã giết mất cả vợ lẫn con. Sau đó người ta thấy anh bỏ nhà bỏ cửa đi biệt. (theo sachhayonline)



  • TÍCH: Rắn núi là con trai của Thần Núi. Ngày ấy, có một nữ nhân biết được bí mật của Thần Nước nên bị buộc phải cưới con trai của Thần Núi để chuộc lỗi. Nàng tự vẫn. Rắn Núi vốn dĩ yêu thương nàng, được muôn thú báo tin, trên đường đi đến nơi nàng thác cũng ngã quỵ



  • TÍCH: Ngọc Tỳ Bà và Kim Chung là hai nữ yêu bị giam trong lòng đất hai trăm năm. Hai nữ yêu vốn là nhạc cụ từ thời Vua Lý. Bị kẻ gian trộm khỏi Hoàng Cung đem chôn, bên trên trồng một cây anh đào. Về sau Ngọc Tỳ Bà, Kim Chung được Vua Lê Thánh Tông đào lên.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Bài Ký Một Giấc Mộng - Tác Giả: Lê Thánh Tông (theo truyện hay)



  • TÍCH: Mẹ ranh càn sát là câu chuyện về ma vú dài của miền Bắc.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Mẹ ranh càn sát / Tang thương ngẫu lục / Phạm D(ình Hổ, Nguyễn Án (theo hoatienquan)



  • TÍCH: Truyền thuyết Phượng Hoàng trải dài từ bắc vào nam nhưng nổi bật nhất là ở núi Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh. Phượng Hoàng Việt Nam sống theo đàn một trăm con, bay đi tìm ngọn núi có đủ số đỉnh để đậu lại nhưng các nơi Phượng Hoàng bay ngang đều chỉ có chín mươi chín đỉnh. Có tích kể rằng đã có lúc Phượng Hoàng tìm được chỗ đậu nhưng bị loài người trèo lên đỉnh bắt đi lại còn đốt trụi trứng Phượng.

    Trứng Phượng gặp lửa bị thúc mà nở thành con, nhất loạt bay đến chỗ cha mẹ bị giam cầm. Phượng Hoàng cảm giác được con đến, đồng loạt vươn cánh ra khỏi cũi, cả lồng giam và chim cùng bay đi mất mãi mãi từ đó. Có tích lại kể từng có Phượng Hoàng hóa thân thành cô gái yêu thương con người. Tuy nhiên, tác giả không hướng đến hình tượng Phụng trong tứ linh.



  • TÍCH: Thần Trùng còn được gọi là Thần Nanh Mỏ Đỏ, loài quái điểu thân màu đỏ hồng, thường đến mổ vào quan tài người chết, buộc người ấy phải khai ra tên tuổi của người thân trong gia đình để đến bắt linh hồn, gây ra hiện tượng trùng tang.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Vũ Trung Tùy Bút



  • TÍCH: Cá Kình là thủy quái thường xuyên phá hoại thuyền bè và ăn thịt các ngư dân vùng Đồ Sơn.



  • TÍCH: Ngư Nương ngờ rằng là loại yêu có liên quan đến cá (dựa trên thông tin về yêu trong sách cổ). Ngư Nương có nhiều hình dạng, nhưng về sau hình dáng được nhắc nhiều nhất là một nữ nhân.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Yêu quái ở Mai Châu



  • TÍCH: Quái Mèo là tích ở Cù Lao Chàm, thuộc thành phố Hội An. Sách chép rằng, ngày trước, có vị hòa thượng đến Cù lao Chàm tu tập. Trong lúc thiền định, có nhiều loài yêu ma quỷ quái đến quấy nhiễu nhà sư, trong đấy có một cụm gió độc. Từ trong cơn gió phát ra vô vàn tiếng mèo kêu như gào thét.



  • TÍCH: Cá Đá là vốn là loài cá ông cõng linh hồn người chết trở về từ biển khơi. Tích rằng, Cá từng cõng hồn Trương Ba đưa về gặp Đế Thích. Sau này, Cá Ông ở lại đền Đế Thích và hóa đá.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Cá đá cõng hồn (theo vtc)



  • TÍCH: Chim Rừng xuất hiện trong truyền thuyết ở cả Đà Nẵng và Khánh Hòa. Tùy nhiên, ở Khánh Hòa chim rừng lại xuất hiện riêng biệt, không liên quan đến loại yêu tinh khác (Cáo Núi) như ở Đà Nẵng. Chim còn được biết đến với tên Chim Lông Xù hoặc Phấn Nhĩ Quỷ Vương.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Phấn Nhĩ Quỷ Vương (theo khoahocnet)



  • TÍCH: Chó lông xoáy được sinh ra từ cha Rồng và mẹ Kỳ Lân, được xem là tiền thân của loài chó Phú Quốc

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Ngày xưa, các cụ truyền thường kể cho con cháu nghe về một truyền thuyết rất ly kỳ về gia phả của chó xoáy. Đó là vào một ngày nọ, bỗng nhiên từ trên trời, một con rồng lạc vào vùng biển gần đảo Phú Quốc.

    Nó ở đây mấy ngày và gặp tiểu kỳ lân vốn sống trên đảo. Như duyên trời, hai con vật trong truyền thuyết này đã ở cùng nhau một thời gian dài. Sau này, khi rồng bay về thiên đình, kỳ lân ở lại có mang rồi sinh ra giống chó rừng. Đây được coi là tổ tiên của loài chó xoáy Phú Quốc. (theo nguoiduatin)



  • TÍCH: Thằn Lằn, Heo, Nai, Cá là bốn người vợ của các con trai nhà trời. Ngày ấy, trời đưa bốn người con trai xuống hạ giới khai hoang. Mỗi người cưới một cô gái làm vợ. Vì cưới thần nên mỗi cô gái phải chịu biến thành một loài thú.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Truyền thuyết 7 hồ (theo thanhnien)



  • TÍCH: Rùa Đen vốn là con trai thần núi. Nảy sinh tình cảm với con gái của Trời, chàng trai bị Trời hóa thành một con rùa đen sống cuộc đời ngàn năm. Cô gái vì thương chàng trai nên bệnh rồi chết, thác hóa thành con chim vàng bay mãi phía trên nơi sống của người thương.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Tên gọi "thác Tình Yêu" bắt nguồn từ câu chuyện truyền thuyết về tình yêu giữa chàng tiều phu Ô Quy Hồ - người con trai cả của thần núi Ai Lao và nàng tiên thứ bảy. Thác đổ xuống tạo thành những dải bạc lấp lánh, mềm mại tạo thành bồn tắm thiên nhiên kì diệu mà trong truyền thuyết là nơi nàng tiên đã nô đùa, tắm táp trước khi mặt trời lặn và quay về trời.

    Chàng trai Ô Quy Hồ tuy là con trai của thần núi nhưng lại say mê cảnh sắc thiên nhiên và có tài thổi sáo trúc, không chịu nối nghiệp cha nên bị cha hóa phép làm người thường. Nàng tiên vì mải mê nghe tiếng sáo của chàng Hồ mà quên đường về. Hằng ngày, nàng tiên thứ bảy lại trốn cha mẹ xuống trần để trò chuyện, tâm sự và nghe chàng Hồ thổi sáo. Tình yêu giữa hai người chớm nở nhưng lại không được Ngọc Hoàng chấp thuận. Nàng tiên bị cấm không được xuống trần nữa còn chàng Hồ bị hóa phép biến thành con rùa đen ngàn năm câm nín trên đỉnh đèo gần thác Tình Yêu. (theo emdep)



  • TÍCH: Hổ Ca là truyền thuyết phổ biến ở đất Quảng Ngãi. Hổ có màu trắng, thường giúp người dân chứ không gây hại. Có tích rằng hổ từng nhập hồn vào đứa trẻ để thông báo việc khẩn cho dân làng tìm cách đối phó. Nhân dân nhiều lần cảm phục, tôn Hổ làm Ca. Tích về Hổ trắng Quảng Ngãi còn được biết đến qua một lão yêu Hổ thường giúp người dân.



  • TÍCH: Quái Tê giác là bốn con Tê giác của một nữ thủ lĩnh người dân tộc ở Lâm Đồng. Khi nàng mất, bốn con vật đến bên, cắm sừng xuống và hóa đá nằm cạnh nàng.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Truyền thuyết Thác Pongour và 4 con tê giác hóa đá (theo lamdong)



  • TÍCH: Quận Cú là quan trợ việc của Diêm Vương. Quận Cú có hai cái lưỡi. Một lưỡi khiến con người chết ngay và một lưỡi giúp người ta sống lại.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Chuyện Cường Bạo Đại Vương (được thờ ở Nam Định) (theo sachhayonline)



  • TÍCH: Yêu Khỉ có nghĩa nhưng tính hoang dâm, từng gây hại để một nữ nhân phải hoài thai, sinh hạ một đứa con. Về sau con trai đến tìm cha, Yêu Khỉ trao lại cho con một thân tre có thể bay đến nơi mình muốn.



  • TÍCH: Yêu Quạ thường đứng trên núi cao hại khách bộ hành. Yêu Quạ là nữ, thường mặc đồ theo lối cung trang. Lần ấy loài yêu gặp đối thủ cao tay, bị y bắn chú hiện nguyên hình.



  • TÍCH: Garuda là thần điểu trong văn hóa Chăm. Tác giả chọn Garuda vì Ninh Thuận là nơi có cộng đồng người Chăm sinh sống đông nhất Việt Nam.



  • TÍCH: Quái Beo thân dài, hai chân lại có thể đứng được như người. Quái thường hút cạn nước sông suối gây nên hạn hén. Trời phái Cù Mãng hạ phàm trấn áp Quái Beo.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Ngày xa xưa, mảnh đất từ An Khê đến Vân Canh đổ về phía La Hiên, Đa Lộc là nơi có nhiều âm binh quấy phá dân lành, phá hoại hoa màu, nhưng tệ hơn cả là có con beo thần mình dài 8 thước, hai chân sau có thể đứng thẳng và đi như con người. Con beo thần này thường lén hút hết nước từ các sông suối đưa lên tận Man Khê (An Khê?) khiến cho người dân trong vùng không có nước tưới hoa màu, gây hạn hán và đói kém triền miên cho nhân dân cả một vùng rộng lớn.

    Những ngày cầu đảo cúng tế đất trời kéo dài với tiếng than khóc của những người dân cùng khổ khiến thiên đình động lòng, bèn sai thần làm mưa đưa con rắn xanh-Cù Mãng (có nhiệm vụ coi sóc giếng nước thiên đình) xuống trần gian, nằm phủ phục trên đỉnh Cù Mông để bắt con beo thần và làm mưa cho vùng đất này. Beo thần bị con Cù Mãng bắt đưa về trời sau cuộc chiến kéo dài ròng rã mấy năm trời. Vì vậy, hàng năm cứ vào tháng 9, tháng 10 âm lịch là cả vùng đất Cù Mông mưa gió, sấm chớp nổi lên đùng đùng mà người dân gọi là cuộc huyết chiến giữa thần Cù Mãng và Beo thần ngày trước. (theo baophuyen)



  • TÍCH: Ngựa Hố Vàng được kể lại từ các thời chúa Nguyễn, tại phủ Tam Kỳ ( nay là tỉnh Quảng Nam). Ngựa có bộ lông màu vàng và có thể phi như bay. Nước đãi của con quái tiết ra đọng thành những đường chỉ vàng sáng ánh rực rỡ. Thứ nước đãi này có thể ăn mòn vật thể, thấm sâu vào bên trong đất đá. Ngựa thường xuất hiện vào buổi chiều tà, gặm cỏ, uống nước, trên một cánh đồng gọi là Hố Vàng.



  • TÍCH: Rồng Mẹ phát xuất từ truyền thuyết Vịnh Hạ Long. Trời đưa Rồng Mẹ và đàn Rồng Con đến giúp nhân dân cản giặc ngoại xâm. Tác giả nhìn Rồng Mẹ như một loài quái, không xét trên phương diện tứ linh hay loài đến từ đâu.



  • TÍCH: Quái Rùa Bay thường được biết đến với tên khác là Rùa Vàng làng cổ Bích La. Có tích cho rằng Rùa được làm từ vàng ròng và là món quà Trời tặng cho dân làng vì có công khai hoang mảnh đất.

    Truyền khẩu kể rằng mỗi tối Rùa sẽ từ bên dưới lòng hồ bay đi tuần quanh làng, bảo vệ người dân. Nhà nào bố mẹ đi vắng, Rùa sẽ hóa thân thành dạng người để cùng chơi với các bé.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Rùa vàng làng Bích La (theo tinhuyquangtri)



  • TÍCH: Krut(d) là phiên bản trong văn hóa Khmer. Garuda là phiên bản nơi văn hóa Chăm. Chim Krut có mặt trong rất nhiều các ngôi chùa ở Sóc Trăng. Đây là nguyên nhân tác giả chọn loài này làm đại diện.



  • TÍCH: Yêu Bươm Bướm được nhắc đến vào thời đại Hậu Lê, được miêu tả có nhan sắc tự như thiên tiên. Yêu Bươm Bướm sống thành đàn, có vua. Nước Nướm lối vào quanh co, cung điện san sát... Báu vật của Bươm Bướm là lá ngọc mềm luyện thành từ tinh túy của muôn hoa, cuộn tròn như quản bút, sắc trắng như hoa mai. Mùa hè chống được nóng, mùa đông chống được lạnh...

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Chuyện lạ nước Hoa / Thánh Tông di thảo



  • TÍCH: Long Mã ở Tây Ninh là Long Mã trong điệu múa Long Mã và cũng là Long Mã nơi Thánh thất Cao Đài. Tây Ninh là vùng đất đặc biệt được biết đến với tôn giáo này.



  • TÍCH: Tam đầu Cửu vĩ còn gọi là Ông Lốt, là quan hầu cận của Quan lớn Đệ Tam. Thái Bình có làng Đào Động, trung tâm tín ngưỡng đạo Mẫu, có đền Quan lớn Đệ Tam, người cưỡi Tam Đầu Cửu Vĩ.



  • TÍCH: Yêu Hổ vằn ở Thái Nguyên được chép là loài yêu hiền lành. Ngày trước Yêu Hổ từng gặp một người ngủ trên cây, động lòng mà tha. Khi đàn con cháu đến có ý ăn thịt người ấy thì Hổ xua đuổi kêu đi. Về sau Yêu Hổ vằn bị bắt, nộp lên phủ Chúa. Người được cứu năm xưa đến trước lồng giam, năm lạy ba khấu rồi bất lực rời đi.



  • TÍCH: Quái Vẹt sống theo đàn. Quái Vẹt từng cùng nhau bảo vệ thi thể một nữ nhân là mẹ của Thái vương Trịnh Liễu bị họ Mạc giết chết. Vẹt trở thành linh vật họ Trịnh từ đây.



  • TÍCH: Long Mã thường được khảm sành trên các bình phong xứ Huế. Long Mã ở Huế tuy bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng lại mang tính phong thủy nhiều hơn là thần thoại như nước bạn.



  • TÍCH: Chằn (Yeak) là loài quái quen thuộc với cả dân tộc kinh và dân tộc Khmer. Chằn từng xuất hiện trong tích Thạch Sanh (Thạch là họ phổ biến của người Khmer). Tác giả chọn Chằn dựa trên bức tượng Chằn ở chùa cổ Âng tại Trà Vinh.



  • TÍCH: Người Khổng lồ được chép lại trong Tang Thương Ngẫu Lục của hai danh sĩ Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án từ cuối thế kỉ XVIII. "Các động, các trại ở Tuyên Quang, phần nhiều ở xen vào tận hang núi, dân bản thổ thường làm nhà sàn để tránh thú dữ. Hồi quan Đốc đồng (chức quan khám xét việc kiện cáo ở các trấn) Nguyễn Đình Thạc ở trấn, có một người khổng lồ vào nhà trong xóm bắt người mà ăn. Nhà có mười người, ăn mất chín. Một người chạy trốn được lên báo quan; quan cho xe súng lớn đến bắn bừa vào. Người ấy ngồi chết trên nhà sàn, chân thõng xuống tận đất. Lôi ra thì thấy thân thể trần truồng, dài ước hơn hai trượng, tóc ngắn đến vai".



  • TÍCH: Reahu vốn là em út trong gia đình có ba anh em bất hòa. Hai anh Reahu về sau hóa thành mặt trời và mặt trăng, riêng Reahu lại hóa thành một người có sức mạnh phi thường. Hằn học chuyện năm xưa, Reahu thường đuổi theo nuốt hai anh mình trả thù. Trong một lần ngạo mạn, Reahu đã uống nguồn nước trường sinh và bị vị thần cai quản dùng luồng gió nghiệp chướng chém đôi thân người. Nguồn nước phát huy tác dụng, Reahu không chết, một nửa thân trên lập tức trốn thoát.



  • TÍCH: Trâu Cò là nguồn gốc hình thành tên gọi bến Bạch Ngưu ở Vĩnh Phúc. Trâu Cò là loài quái trâu có màu trắng, lông không thấm nước. Loài này thường xuất hiện thành hai con trên bờ, đấu chọi lẫn nhau. Khi có người xuất hiện Trâu Cò sẽ lao xuống nước.



  • TÍCH: Đại bàng Đá là chim đại bàng do Trời phái xuống làm người đưa tin với con gái. Khi không có việc, Đại bàng sẽ hóa thành đá đậu phía trong hang động con gái của Trời.

    TƯ LIỆU THAM KHẢO: Truyền thuyết động Thủy Tiên



  • TÍCH: đang cập nhật | TƯ LIỆU THAM KHẢO: đang cập nhật



  • TÍCH: đang cập nhật | TƯ LIỆU THAM KHẢO: đang cập nhật



  • TÍCH: đang cập nhật | TƯ LIỆU THAM KHẢO: đang cập nhật



  • TÍCH: đang cập nhật | TƯ LIỆU THAM KHẢO: đang cập nhật



  • TÍCH: đang cập nhật | TƯ LIỆU THAM KHẢO: đang cập nhật



  • TÍCH: đang cập nhật | TƯ LIỆU THAM KHẢO: đang cập nhật


TECHRUM.VN / CHIA SẺ BỞI: PAGE YÊU . MA . QUỶ . QUÁI
(vui lòng không thay đổi nội dung bản quyền trong bài viết này, xin cảm ơn!)

Xem thêm:
 

juha8x

Active Member
Tham gia
29/11/18
Bài viết
210
Được thích
71
#5
Bài ra đêm phia, đọc muốn lòi mắt. Giờ mới biết quê mình có tích PHƯỢNG HOÀNG núi Hồng Lĩnh. Chắc phải về tìm hiểu thêm thôi
 

simon60119

New Member
Tham gia
30/3/20
Bài viết
6
Được thích
0
#14
Giá mà có nguyên cuốn truyện kể về tích này chi tiết thì hay biết mấy, hư cấu xíu cũng được
 

NLinh

Member
Tham gia
11/9/19
Bài viết
79
Được thích
6
#15
Các bác nghệ sĩ mô phỏng sáng tạo, nếu thêm phần câu chuyện lôi cuốn sẽ thú vị lắm đấy ạ.
 

Theo dõi Youtube

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom