Phân tích truyện cổ tích Tấm Cám

Tham gia
25/5/21
Bài viết
2
Được thích
0
291 #1
Trong kho tàng văn học dân gian, truyện cổ tích là một trong những thể loại để lại nhiều dấu ấn sâu đậm, với những câu chuyện hay, mang nhiều ý nghĩa giáo dục rất nhân văn. Ông cha ta từ xa xưa đã dùng chính những câu chuyện cổ tích này để giáo dục cho con cháu những bài học đạo đức, hướng con người ta đến với chữ “thiện”, quy luật nhân quả, dạy cho ta những đức tính, phẩm chất tốt đẹp ở đời như lòng ngay thẳng, chính trực, bài trừ cái ác trong cuộc sống. Có thể nói rằng, bên cạnh những câu ca dao, những lời ru thì truyện cổ tích chính là thể loại văn học mà mỗi đứa trẻ được tiếp xúc và quen thuộc nhất trước khi đến với thế giới văn chương rộng lớn. Tấm Cám đã là câu chuyện cổ tích hết sức quen thuộc mà có lẽ ai cũng từng một lần được nghe kể hoặc thấy trên các phương tiện truyền thông báo đài khi trở thành đề tài chính đi vào phim ảnh, kịch phẩm,... Mang đầy đủ các nét đặc trưng của truyện cổ tích, Tấm Cám đã đem đến cho người đọc những bài học nhân sinh sâu sắc.


Tấm Cám là truyện thuộc thể loại truyện cổ tích thần kỳ với đặc trưng cơ bản nhất ấy là chứa đựng các chi tiết hoang đường kì ảo trợ giúp cho nhân vật chính, phản ánh các mâu thuẫn gia đình xã hội dưới dạng các xung đột giữa thiện - ác, tốt - xấu. Với kết cấu là nhân vật chính sẽ trải qua rất nhiều các khó khăn thử thách tăng tiến, thế nhưng cuối cùng họ vẫn vượt qua và được đền bù một cách xứng đáng bằng cái kết có hậu mỹ mãn. Ý nghĩa chính là truyền tải các bài học đạo đức và mơ ước về sự công bằng của nhân dân lao động, đồng thời thể hiện sự lạc quan, tin tưởng của dân gian về luật nhân quả. Truyện Tấm Cám thuộc về đề tài con người mồ côi, một đề tài rất phổ biến trong thế giới truyện cổ tích.

Mâu thuẫn chính xuyên suốt trong câu chuyện đó là mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật chính là Tấm và mẹ con Cám, đây là mâu thuẫn gia đình trong chế độ phụ quyền thời cổ, xuất phát từ những nguyên nhân tranh chấp tài sản thừa kế sau khi người chủ gia đình là cha của Tấm mất đi. Cụ thể trong câu chuyện này là mâu thuẫn giữa dì ghẻ - con chồng, sau đó kéo theo mâu thuẫn giữa hai chị em Tấm Cám, bởi thân phận cùng cha khác mẹ, có tranh chấp về quyền lợi vật chất trong gia đình. Không chỉ vậy, nó còn là một kiểu mâu thuẫn rất hay xảy ra trong xã hội ỷ đông hiếp yếu, lấy cái quá quắt, độc ác để ức hiếp kẻ hiền lương, không có tiếng nói. Chung quy lại những mâu thuẫn ở đây đều được thể hiện trong xung đột thiện - ác, tốt - xấu, mà cô Tấm là đại diện cho cái thiện, cái tốt còn mẹ con Cám là đại diện điển hình cho cái ác, cái xấu. Có thể nói rằng từ cổ chí kim, mối quan hệ xung đột này vẫn luôn kéo dài dai dẳng và không hề có hồi kết, thậm chí ngày càng trở nên gay gắt và quyết liệt hơn. Từ đó ta cũng nhận thấy rằng đây là một vấn đề phản ánh hiện thực xã hội sâu sắc.

Trong Tấm Cám sự nảy sinh và phát triển mâu thuẫn phát triển qua hai chặng đường, chặng thứ nhất là trước khi Tấm trở thành hoàng hậu, chặng thứ hai là sau khi Tấm trở thành hoàng hậu và bị hại chết. Ở chặng thứ nhất, dễ dàng nhận thấy sự nảy sinh mâu thuẫn là bắt nguồn từ sự đối xử bất công của dì ghẻ đối với Tấm. Tấm là đứa trẻ mồ côi mẹ khi còn bé, bố Tấm lấy vợ mới. Và dĩ nhiên dân gian có câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng” là cũng có cái nguyên do của nó. Mẹ Cám là một người đàn bà khắc nghiệt, ích kỷ, không những thế lại có đứa con là Cám, thế nên việc yêu thương chăm sóc con chồng đối với bà ta là điều khó có thể xảy ra. Bởi ở đây, ngoài xuất phát từ tính cách người dì ghẻ thì nó còn nằm ở âm mưu tranh đoạt quyền thừa kế vật chất sau khi cha Tấm mất. Tấm là con dòng chính, có quyền thừa kế hợp pháp, còn mẹ con Cám là vợ kế nên dĩ nhiên rằng sẽ không có nhiều quyền lợi bằng. Sự đối xử bất công của dì ghẻ là cả một hệ thống những sự việc xảy ra liên tiếp, trong đời sống sinh hoạt gia đình, Tấm phải làm việc quần quật như người ở, ban ngày chăn trâu, gánh nước, vớt bèo, thái khoai, đến đêm thì lại xay thóc, giã gạo. Có thể nói rằng Tấm đang bị lợi dụng triệt để sức lao động để phục vụ cho mẹ con Cám ăn sung mặc sướng. Ngược lại với Tấm thì cô em Cám lại không phải làm việc nặng, chỉ quanh quẩn ở nhà, thể hiện rõ sự đối xử bất công giữa con ruột và con riêng, khởi đầu cho một chuỗi các sự kiện mâu thuẫn khác. Khởi đầu là sự kiện cái yếm đỏ, vốn là thứ mọi cô gái mới lớn đều ao ước, thế nhưng trong quá trình làm việc để giật thưởng, thì Cám lại lừa lấy hết cá tép của Tấm, chảy về nhận yếm. Mụ dì ghẻ là người đẻ ra Cám sao lại không hiểu được với cái tính ham ăn lười làm, õng ẹo của cô ta thì làm gì mà bắt được nhiều tép cá như vậy. Thế nhưng vốn bản tính thiên vị dì ghẻ vẫn trao phần thưởng cho cô con gái yêu của mình. Còn ngược lại Tấm biết rằng mình bị đối xử bất công, thế nhưng lại không dám đứng lên đấu tranh đòi công bằng, mà chỉ biết ngồi khóc bên chiếc giỏ trống không. Ở đây cũng cho thấy một điều rằng bản thân Tấm đã bị tước đi quyền lợi về vật chất. Sau đó sự đối xử bất công tiếp theo, đến từ chuyện Tấm ngồi khóc và được Bụt hiện lên mách cho đem con cá bống còn sót lại trong giỏ về thả xuống giếng nuôi. Tấm đã phải nhường lại một bát cơm cho bống ăn, đổi lại bống cho Tấm được những phút giây vui vẻ sau những giờ làm lụng cật lực, đó có thể coi là một phần thưởng để an ủi cho những bất công mà Tấm phải chịu đựng trong suốt thời gian qua. Thế nhưng, lòng người ích kỷ và độc ác, con vật vốn được xem như một người bạn, là thứ Tấm dành biết bao tâm huyết lại bị mẹ con Cám bắt lên giết thịt ăn. Ở đây không phải là mẹ con Cám thèm thịt con cá, mà vấn đề nằm ở chỗ họ muốn tước đoạt đi cái niềm vui và sự hạnh phúc nhỏ bé của Tấm, tước đoạt đi cái quyền lợi về mặt tinh thần. Sự bất công của mẹ con Cám còn được đẩy lên cao nữa ở sự kiện ngày hội làng, dì ghẻ đã trộn một đấu thóc và một đấu gạo, bắt Tấm lựa riêng từng thứ ra. Mục đích chính là ngăn không cho Tấm đi dự hội làng, là ngày vui, để giao lưu, gặp gỡ, để se duyên cho các chàng trai cô gái đến tuổi dựng vợ gả chồng. Tấm lại tiếp tục bị tước đi cái quyền mưu cầu hạnh phúc, quyền lợi về tinh thần.

Ở chặng thứ hai, sau khi Tấm được Bụt giúp đỡ được đi xem hội, rồi từ chiếc hài nàng vô tình đánh rơi mà trở thành hoàng hậu thì mẹ con Cám lại càng trở nên độc ác. Đỏ mắt vì ghen tị với sự may mắn, với cuộc sống sung túc và hạnh phúc của Tấm thế nên mẹ con nhà này đã âm mưu giết chết Tấm để đưa Cám vào thay thế ngôi vị hoàng hậu. Mà kinh khủng hơn là việc hại chết Tấm không chỉ diễn ra một lần mà có tới 4 lần liên tiếp như vậy. Lần đầu tiên là trong ngày giỗ bố, tuân thủ đạo hiếu truyền thống của người Việt, Tấm dù thân đã là hoàng hậu thế nhưng vẫn về nhà trèo hái cau để cúng cho cha, và đó chính là cơ hội để mụ dì ghẻ chặt gốc cau khiến Tấm ngã mất mạng. Thế nhưng khác với chặng một, Tấm luôn luôn cam chịu, khóc lóc thì ở chặng hai Tấm đã bắt đầu có những thay đổi về tâm lý. Trước sự bất công và độc ác của mẹ con Tấm, đặc biệt là khi nhìn thấy chồng mình, hạnh phúc của mình bị Cám trắng trợn cướp đoạt, Tấm đã bừng lên ý chí, nghị lực sống mạnh mẽ, nàng không cam lòng biến mất khỏi thế gian nên đã biến thân thành chim vàng anh quay về quấn quýt với nhà vua. Tuy nhiên, trước sự hiện diện của chim, Cám lại càng ghen tức vì nghĩ mình còn chẳng bằng một con vật, thế nên nghe lời xúi giục của mẹ Cám đã giết thịt chim và ném lông ra vườn. Như vậy, một lần nữa Tấm lại bị mẹ con Cám tước đoạt quyền được sống, được hạnh phúc bằng một cách vô cùng tàn nhẫn. Cũng như lần trước, linh hồn của Tấm không dễ dàng bị khuất phục như vậy, nàng vẫn quyết quay về bên vua, dưới hình dạng hai cây xoan đào để vua mắc võng nằm ngủ hóng mát. Và lần này, Cám thấy vậy, lại tiếp tục hại Tấm bằng cách chặt cây lấy gỗ làm khung cửi, hòng diệt trừ mọi thứ khiến ngôi vị của nàng ta lung lay. Lần này Tấm không hóa thân thành loài nào khác mà nàng ngự ở trong chính cái khung cửi mà Cám tạo ra. Điều đó không có nghĩa rằng ý chí, sự kiên cường tồn tại của Tấm đang yếu đi mà thậm chí nàng còn trở nên mạnh mẽ và chính thức có những động thái quyết liệt đầu tiên thể hiện sự xung đột gay gắt, đối đầu với sự độc ác của Cám. Câu đe dọa “Lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra” chính là sự quyết tâm trừng trị Cám của Tấm để giành lại công bằng cho bản thân. Với sự độc ác không điểm dừng của mình mẹ con Cám không lấy đó là sợ mà lại tiếp tục dùng mưu kế hiểm độc, đốt khung cửi rồi đem vứt tro ở một nơi rất xa để đề phòng sự trở lại của Tấm. Có thể nói đây là đỉnh điểm của sự độc ác, diệt cỏ tận gốc của hai mẹ con nhà này hòng tiêu diệt Tấm để chính thức ngồi vững ngôi hoàng hậu. Như vậy qua hai chặng đường, từ cảnh Tấm bị đối xử bất công khi còn ở nhà, cho đến khi vào cung làm hoàng hậu thì lại bị hại chết hết lần này đến lần khác, thể hiện cái mâu thuẫn giữa hai tuyến nhân vật đại diện thiện - ác ngày càng quyết liệt và đi lên đến đỉnh điểm. Từ những mâu thuẫn tranh đoạt về vật chất và tinh thần trong gia đình, cho đến những mâu thuẫn về quyền lợi về vật chất và tinh thần trong xã hội, giữa địa vị của hoàng hậu với dân thường. Từ tước đoạt về các giá trị vật chất, tinh thần chuyển sang gay gắt hơn ở việc tước đoạt mạng sống con người. Có thể nói rằng mâu thuẫn giữa thiện ác tốt xấu, diễn ra rất dai dẳng, bền bỉ và quyết liệt trong xã hội. Từ đó mở ra bước ngoặt cho câu chuyện là sự trở lại đầy mạnh mẽ và sự trừng trị thích đáng của Tấm dành cho mẹ con Cám.

Sau những lần chịu nhiều thiệt thòi cả về vật chất, tinh thần, lẫn tính mạng, khi mà sự độc ác của mẹ con Cám không có dấu hiệu dừng lại thì buộc Tấm phải vùng dậy để chống lại sự bất công để giành lại quyền lợi cho bản thân mình. Tấm từ việc chỉ hóa thân trong các sự vật như chim chóc, cây cối, khung cửi, thì cuối cùng nàng cũng trở lại trong hình dáng con người, chính thức sống lại lần nữa từ trong quả thị thơm để quay lại trừng trị mẹ con Cám. Thế nhưng trước hết ta nói về cách giải quyết mâu thuẫn của cô Tấm khi cô bị đối xử bất công để có thể thấy rõ được sự thay đổi của nhân vật này qua hai chặng. Ở chặng một, khi bị chèn ép, bị tước đoạt quyền lợi, hầu như Tấm chưa bao giờ phản kháng mà ta chỉ thấy ở nhân vật này sự yếu đuối nhu nhược, khóc lóc. Tuy nhiên do chăm chỉ, hiền hậu thế nên nàng luôn được Bụt giúp đỡ mỗi khi gặp khó khăn và sự bù đắp đó có lẽ là đủ thế nên cô Tấm không có cơ hội để phản kháng, giành lại sự công bằng cho riêng mình. Tuy nhiên, sang đến chặng thứ hai “Con giun xéo lắm cũng phải quằn” việc tước đoạt không chỉ nằm ở quyền lợi vật chất tinh thần mà nó trở nên gay gắt hơn, ấy là cả mạng sống và sự cách biệt giữa địa vị hoàng hậu và thường dân. Cô Tấm hiền lành, cam chịu nhưng không có nghĩa là cô ngu muội, để cho kẻ khác hết lần này đến lần khác hãm hại, tước đoạt mạng sống của mình, địa vị của mình. Tấm thoát khỏi cái vỏ cam chịu, nhu nhược, chủ động trở lại khiêu khích, đe dọa kẻ thù của mình, đấu tranh một cách quyết liệt. Hóa thân hết lần này đến lần khác để quay trở về vị trí của mình, đặc biệt trước sự độc ác tăng tiến của mẹ con Cám thì Tấm cũng ngày càng thông minh hơn, trong lần cuối cùng nàng dù đã hóa thân thành người nhưng vẫn một mực ở ngoài cung chờ hoàng thượng đến đón để đảm bảo an toàn tính mạng của mình, rồi sau đó mới quay trở về trừng trị kẻ thủ ác. Trước một khởi đầu mới, thì Tấm đã trở nên mạnh mẽ và không còn cam chịu, tuy nhiên nàng vẫn giữ cho mình vẻ hiền lành, để Cám tưởng rằng Tấm vẫn như trước cam chịu, nhẫn nhịn sự chèn ép của mẹ con nàng ta. Cuối cùng sự độc ác của Cám đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, vì ham đẹp mà nhảy vào cái hố đầy nước sôi do Tấm chuẩn bị. Xung quanh những ý kiến trái chiều về hành vi của Tấm, thì có thể lý giải rằng, cô Tấm là người hiền lành, thế nhưng thực tế nàng không có chỗ dựa về mặt luật pháp, kể cả có vua hay có bụt thì những người này cũng chỉ cho tấm được về mặt vật chất, tinh thần, địa vị còn riêng sự an toàn tính mạng thì không ai cho nàng được. Thế nên nàng buộc phải vùng lên tiêu diệt kẻ thù của mình, để đảm bảo cho bản thân, tránh khỏi việc cũ tái diễn một lần nữa và không chắc được rằng những lần sau nữa nàng có thể tránh thoát và quay trở về hay không. Bên cạnh đó cái chết của mẹ con Cám còn mang ý nghĩa giáo dục về luật nhân quả “Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác”, kẻ thủ ác phải nhận lấy những gì mà họ đã gây ra cho người khác. Huống chi không chỉ bóc lột sức lao động, tước đoạt quyền lợi của Tấm mà họ còn rắp tâm giết Tấm tận bốn lần, nay phải trả giá bằng mạng sống của mình chung quy là “ác giả ác báo”. Và cuối cùng chi tiết Tấm trừng trị Cám, cũng thể hiện sự lô-gic về mặt diễn biến tính cách, tâm lý của nhân vật qua nhiều lần thập tử nhất sinh, thể hiện sự vươn lên mạnh mẽ, sự trưởng thành trong suy nghĩ của nhân vật. Và xét về địa vị, Tấm là hoàng hậu, là người dưới một người trên vạn người, để cai quản hậu cung, nàng không thể mãi là người yếu đuối mà phải trở nên quyết đoán, biết tự bảo vệ mình thì mới có thể tồn tại trong hoàng cung sóng vai cùng với hoàng thượng được.

Từ kết quả của câu chuyện, tác giả dân gian muốn truyền tải đến độc giả các thế hệ những bài học sâu sắc và thấm thía. Ở đây không còn là bài học ở hiền gặp lành nữa mà là bài học “gieo gió gặt bão” “gieo nhân nào thì gặp quả ấy”, thứ hai là bài học niềm tin về cuộc đấu tranh giữ thiện và ác dẫu có dai dẳng, dẫu có trải qua rất nhiều thăng trầm thì chắc chắn cuối cùng bao giờ phần thắng cũng thuộc về cái thiện. Và thêm một bài học nữa ấy là tác phẩm khuyên răn con người ta phải biết tự đấu tranh, giữ gìn hạnh phúc cho mình, bởi chỉ có những hạnh phúc do bàn tay mình làm nên thì nó mới có thể bền vững.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Phân tích truyện Tấm Cám. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thêm tài liệu để học tập môn Ngữ văn lớp 10 nhé. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán lớp 10, Tiếng Anh lớp 10, đề thi học kì 1 lớp 10, đề thi học kì 2 lớp 10...
Nguồn: Tổng Hợp
 

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom