Review Razer Cobra Pro - Nhỏ gọn, chính xác, nhanh, mượt và đầy công nghệ xứng tầm flagship

Tham gia
17/8/17
Bài viết
260
Được thích
9
2627 #1

Khi nhắc đến chuột gaming Razer thì không thể nào không nhắc đến series biểu tượng DeathAdder đã làm khuynh đảo cộng đồng gaming eSport nói riêng và toàn thể cộng đồng game thủ trên toàn thế giới nói chung. Vậy thì Cobra Pro có những điểm nào để có thể vượt qua được cái bóng quá lớn của DeathAdder, cụ thể là mẫu DeathAdder V3 Pro?

Thiết kế đối xứng nhỏ gọn, khắc phục được nhiều nhược điểm

Điểm sơ về thiết kế, thì Cobra Pro là chuột gaming với thiết kế nhỏ gọn đối xứng (kích thước 119.6 x 62.5 x 38.1 mm) cùng với cấu hình low-profile. Sỡ hữu khối lượng chỉ 77g, tuy không phải là dòng chuột gaming nhẹ nhất giữa 1 rừng các dòng chuột khác như Razer DeathAdder V3 Pro, Logitech G Pro X Superlight hay Zowie EC2-CW, tuy nhiên Cobra Pro vẫn giúp cho những cú di chuột cảm giác rất mượt mà và nhẹ nhàng nhờ vào phần thân được thiết kế nhỏ hơn. Tuy là thiết kế đối xứng, nhưng mẫu chuột này lại dành cho người dùng thuận tay phải khi 2 nút bấm phụ được đặt phía bên thân trái. Nếu người thuận tay trái muốn “cố đấm ăn xôi” thì Cobra Pro vẫn đem lại được cảm giác cầm nắm rất tốt, chỉ là khó dùng được 2 nút bấm phụ này mà thôi. Với kích thước dành cho bàn tay vừa và nhỏ, Cobra Pro “cân” được hết các kiểu cầm chuột phổ biến hiện giờ như palm grip và claw grip, kể cả kiểu fingertip grip vẫn không thể làm khó được nó.


Thay vì được trang bị 6 nút bấm vật lý như trên các mẫu chuột gaming cao cấp khác, Cobra Pro có 7 phím bấm nhiều hơn, bao gồm: 2 phím bấm chính, 2 phím bấm phụ bên trái, 1 phím bấm trên nút cuộn và 2 phím bấm tăng/giảm DPI. Razer đã tăng nút chỉnh DPI lên thành 2 và đưa nó lên phía mặt trên để người dùng có thể dễ dàng bấm trong lúc sử dụng, đây là thay đổi giúp khắc phục nhược điểm trên DeathAdder V3 Pro khi nút chỉnh này lại nằm ở mặt dưới chuột. Ngoài ra còn có 1 phím bấm chuyển đổi profile ở mặt dưới chuột. Phím này lưu trữ được tối đa 5 profile mà bạn có thể thiết lập và được phân biệt dễ dàng bằng 1 đèn LED nhỏ kế bên thể hiện 5 màu sắc tương ứng với 5 profile: trắng, đỏ, xanh lá, xanh dương và xanh da trời. Tất cả những profile và phím vật lý này đều có thể được tinh chỉnh dễ dàng bằng phần mềm Razer Synapse.

Dọc bên thân trái và phải chuột đều được trang bị miếng đệm cao su giúp chống trượt và gia tăng cảm giác cầm nắm. Là một người hay đổ mồ hôi tay, mình rất thích miếng đệm cao su này vì nó không bám hồ hôi và dễ dàng vệ sinh khi bám bẩn.


Phía dưới Cobra Pro được trang bị 3 miếng feet bằng 100% nhựa PTFE màu trắng (màu nhựa PTFE đặc trưng được trang bị cho các dòng chuột gaming) to bản giúp cho chuột di nhẹ nhàng và mượt mà bất chấp trên mọi bề mặt, mọi mouse pad và kể cả bề mặt kính. Mình đã thử dùng nó trên mouse pad bằng vải, cao su và da, chuột di siêu mượt và đã tay trên tất cả các mouse pad này. Tuy nhiên nhược điểm nhỏ của feet PTFE là nó sẽ để lại những vết xước nếu dùng trên về mặt không có mouse pad. Điều này là khó tránh khỏi nhưng để khắc phục được tình trạng này, anh em có thể tham khảo sang feet bằng gốm của Glorious G-Floats nhé.


Đi kèm với Cobra Pro là một sợi cáp Razer Speedflex Cable USB Type C dài 1.8m được bọc dây dù chống rối, một đầu USB HyperSpeed Wireless Dongle, một cục mở rộng USB Dongle Adapter. Cobra Pro cũng hoạt động với HyperPolling Wireless Dongle giúp nâng cấp tốc độ không dây của Cobra Pro lên 4000 Hz. HyperPolling Wireless Dongle được bán riêng với gia 29.99 USD trên trang web của Razer. Để nâng tầm trải nghiệm được trọn vẹn hơn và giúp cho pin của chuột luôn luôn đầy, anh em có thể mua thêm một cục Puck tròn gắn dưới đế để sạc không dây trên Mouse Dock Pro. Razer đã rất biết cách lắng nghe người dùng dựa trên nhược điểm của DeathAdder V3 Pro khi trang bị một không gian vừa đủ phía dưới Puck chuột này để nhét cục USB HyperSpeed vào. Đây là một thay đổi nhỏ nhưng rất hữu ích và tăng sự tiện dụng đặc biệt là đối với các anh em thường xuyên hay đem chuột từ nhà lên văn phòng, vì cục USB này rất nhỏ và rất dễ thất lạc.


Những công nghệ tiên tiến nhất xứng tầm flagship dành cho Cobra Pro

Khoác trên mình chiếc áo chuột gaming cao cấp, Razer đã rất mạnh tay “đập” vào Cobra Pro các cấu hình khủng, kể đến là flagship cảm biến quang học Razer Focus Pro 30K với độ chính xác cao nhất trên thị trường 99.8% và dùng được cả trên bề mặt kính.

Cảm biến này có thể tùy chỉnh tối đa lên đến 30.000 DPI điểm ảnh, 750 IPS tốc độ và được trang bị tính năng Asymmetric Cut-off cho phép người chơi tùy chỉnh tối đa được 26 mức độ cao nhấc và hạ chuột. Đây là tính năng mà mình tốn khá nhiều thời gian trải nghiệm để có thể cảm được nó, vì để tận dụng được tối đa công năng của nó, bạn phải tryhard những tựa game FPS cần sự chính xác cao như CS:GO hay Valorant, khi mà bạn phải chỉnh DPI chuột xuống thấp và phải nhấc chuột liên tục trên pad để lia tâm. Do miếng pad của mình khá bé, nên buộc mình phải tăng độ DPI lên 1.600 nên việc nhấc chuột cũng ít đi. Tuy nhiên, trên lý thuyết thì tính năng này rất hữu ích cho các game thủ thi đấu chuyên nghiệp. Ngoài ra, mắt đọc này còn có tính năng Smart Tracking và Motion Sync, giúp cho những cú nhấc chuột và di chuột được tăng độ chính xác, đồng bộ và ổn định hơn dù là có dùng trên bề mặt nào đi chăng nữa.


Tiếp đến là switch quang học Razer Optical Mouse Switches Gen-3 với thời gian phản hồi nhanh nhất chỉ 0.2ms, nhanh gấp 3 lần so với switch cơ truyền thống, cùng độ bền 90 triệu lần nhấn và được Razer cam kết không có tình trạng double-click và debounch delay. Mình đánh giá rất cao về con switch quang học này, vì chính bản thân mình (và kể cả tất cả game thủ khác) không ai thích chú chuột gaming của mình bị double-click vào một ngày đẹp trời nào đó, một “đặc sản mà không ai muốn ăn” đã tồn tại từ lâu trên các dòng chuột gaming tầm trung và thậm chí là cả cao cấp. Cho nên tiêu chí của anh em nào chọn chuột bền bỉ, xài lâu dài thì Cobra Pro sẽ không làm cho anh em thất vọng.

Đối với một thằng rank Legend như mình trong Dota 2 thì việc dùng Cobra Pro để chơi game cảm giác như đang dùng “dao mổ trâu để làm gà” vậy. Chuột di rất mượt và nhẹ nhàng, giúp cho một thằng support như mình buff cho đồng đội không trượt một chiêu thức nào. Khi thử trải nghiệm sang tựa game FPS siêu tryhard như Rainbox Six Siege (gọi tắt là R6s), thì đây đích thị là sân chơi của cảm biến Focus Pro và tính năng Motion Sync. Mình không hề thấy khó khăn khi xử lý những cú ly tâm nhanh và handle recoil của súng. Ban đầu mình thấy con lăn cuộn không được nhẹ cho lắm, nhưng khi chơi game R6s mình mới thực sự thấy nó hữu dụng. Mình luôn dùng gadget bằng nút cuộn và điều này khiến cho mình bị bối rối nhiều lần khi lỡ tay bấm làm cho con lăn di chuyển lên/xuống khiến cho nhân vật của mình đổi súng trong lúc combat và phải lên bảng ngồi nhìn người khác chơi... Thì ở Cobra Pro mình không còn bị bấm nhầm như vậy nữa, mọi cú click chuột đều rất chính xác đúng với vai trò của nó.

Thời lượng pin ấn tượng và hiệu ứng ánh sáng RGB


Theo Razer, thời lượng pin của Cobra Pro là 100 tiếng nếu dùng kết nối không dây trên HyperSpeed Wireless Dongle và lên đến 170 tiếng nếu dùng bằng kết nối bluetooth. Từ lúc khui hộp đến giờ khoảng 1 tuần, quá trình sử dụng của mình từ chơi game MOBA, FPS và tác vụ văn phòng thì pin của Cobra Pro vẫn giữ trên mức 20%. Để giúp cho thời lượng pin sử dụng tăng hơn nữa, mình đã dùng phần mềm Razer Synapse để bật tính năng Smart Dimming, giúp giảm độ sáng đèn LED RGB đi 50% khi dùng bằng kết nối không dây và đưa chuột vào trạng thái deep sleep nếu không dùng nó trong 5 phút.

Cobra Pro được trang bị hệ thống đèn RGB 16.8 triệu màu ở 3 vùng: dọc 2 bên con lăn, logo Razer trên thân chuột và dãy đèn LED dài sọc theo chân đế. Razer xây dựng cho mình cả một hệ sinh thái Chroma RGB để đồng bộ hiệu ứng LED giữa Cobra Pro, màn hình, tai nghe, bàn phím và kể cả các thiết bị ngoại vi của các thương hiệu khác như Philips Hue, AMD, AOC, v.v… Người dùng và đặc biệt là các tín đồ RGB có thể chọn 11 hiệu ứng RGB đẹp mắt có sẵn cũng như tùy biến dễ dàng theo sở thích cá nhân trên phần mềm Razer Synapse.


Mình không phải là fan của RGB nên mình luôn tắt nó đi hoặc giảm tối đa độ sáng trong suốt quá trình chơi game và làm việc để có thể tiết kiệm pin cho chuột.

Cobra Pro và DeathAdder V3 Pro, nên chọn chuột nào trong cùng 1 tầm giá?

Cả 2 mẫu chuột đều được trang bị cấu hình cao cấp nhất, cùng mang cảm biến Razer Focus Pro 30K, cùng dùng switch quang học Razer Optical Mouse Switches Gen-3 thì khi đưa lên bàn cân yếu tố thiết kế và thẫm mỹ được nhắc đến đầu tiên.

Nếu bạn là kiểu người thích mẫu chuột thiết kế công thái học, nhẹ hơn và không thích RGB lập lòe, thì chắc chắn DeathAdder V3 Pro sẽ dành cho bạn. Nhưng nếu bạn thích thiết kế đối xứng, nhỏ gọn, được trang bị cao su chống trượt hai bên, có chỗ cất cục USB HyperSpeed, nhiều phím bấm chức năng hơn hay đơn cử muốn sự lựa chọn linh hoạt hơn, có kết nối bluetooth, dùng được trong mọi tình huống từ gaming cho đến tác vụ văn phòng và dung hòa được mọi thứ một cách cân bằng, thì Cobra Pro sẽ làm cho bạn hài lòng trên mọi khía cạnh dù là nhỏ nhất.








Xem thêm:
 
Last edited by a moderator:

Theo dõi Youtube

Thành viên online

Không có thành viên trực tuyến lúc này

Quảng Cáo

Quảng Cáo

Có thể bạn quan tâm

Top Bottom